Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận 125.991 ca mắc mới và 1.798 ca tử vong, con số này tại Ấn Độ lần lượt là 88.942 và 1.123. Tại khu vực Đông - Nam Á, Philippines là quốc gia có nhiều ca mắc nhất (301.256 ca), trong khi Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất (10.308 ca).
Trong năm nước có nhiều ca bệnh nhất thế giới, có ba nước tại châu Mỹ, gồm Mỹ, Brazil, Colombia. Mỹ vẫn tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 7.287.521 ca mắc và 209.177 ca tử vong, tốc độ mắc bệnh và tử vong vẫn ở mức cao nhất trên thế giới. Với hơn 700 nghìn ca mắc, Argentina đang đứng thứ 9 trong “bảng xếp hạng” Covid-19. Đáng chú ý, tốc độ lây nhiễm và tử vong của nước này đang nằm trong tốp 5 toàn cầu. Theo Reuters, trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày Argentina có thêm 11.082 ca mắc mới, chỉ sau Ấn Độ, Mỹ, Pháp và Brazil – ba quốc gia có dân số nhiều hơn đáng kể so với Argentina. Trong tuần này, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận trung bình 365 ca tử vong/ngày. Argentina là một trong những quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh triển khai biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi nước này dần nới lỏng phong tỏa, dịch bệnh đã nhanh chóng lan rộng từ thủ đô Buenos Aires tới các tỉnh trong nước.
Tại châu Âu, ngày 26-9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn trong cuộc chiến chống Covid-19 và ngăn ngừa các đại dịch khác trong tương lai. Ông đồng thời khẳng định "tất cả mọi người sẽ thua cuộc" nếu các nước không chung tay đánh bại virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Johnson ca ngợi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là "cơ quan dẫn dắt nhân loại chống lại các đội quân dịch bệnh". Ông tuyên bố tăng 30% tài trợ cho tổ chức này trong bốn năm tới, lên đến 340 triệu bảng Anh (khoảng 433,33 triệu USD).
Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng phác thảo kế hoạch năm điểm nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, bao gồm các nỗ lực nhằm hình thành "một mạng lưới toàn cầu các trung tâm nghiên cứu động vật" nhằm phát hiện một đại dịch mới trước khi nó khởi phát; phát triển năng lực bào chế vaccine và điều trị; thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm đại dịch toàn cầu; có tất cả các quy trình sẵn sàng cho một phản ứng khẩn cấp, và cuối cùng là dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với các công cụ thiết yếu như găng tay, trang bị bảo hộ, nhiệt kế.
Các nước như Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ đang chay đua với thời gian trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19. Ông Johnson cho biết, vaccine Oxford đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng và trong trường hợp thành công, công ty dược phẩm sẵn sàng bào chế hàng triệu liều vaccine để cung cấp nhanh chóng cho mọi người. Theo ông, sức khỏe của mọi quốc gia tùy thuộc vào việc cả thế giới được tiếp cận loại vaccine an toàn và hiệu quả. Ngay khi đạt được bước đột phá, Anh sẽ sàng làm mọi việc để đưa loại vaccine này ra với thế giới.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 27-9 (giờ Việt Nam):
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 7.287.521 ca mắc, 209.177 ca tử vong
2. Ấn Độ: 5.990.513 ca mắc, 94.533 ca tử vong
3. Brazil: 4.718.115 ca mắc, 141.441 ca tử vong
4. Nga: 1.143.571 ca mắc, 20.225 ca tử vong
5. Colombia: 806.038 ca mắc, 25.296 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 301.256 ca mắc, 5.284 ca tử vong
2. Indonesia: 271.339 ca mắc, 10.308 ca tử vong
3. Singapore: 57.685 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 10.769 ca mắc, 133 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.522 ca mắc, 59 ca tử vong
6. Myanmar: 9.991 ca mắc, 198 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.069 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 275 ca mắc
9. Brunei: 146 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 10.181.244 ca mắc, 187.827 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 8.692.797 ca mắc, 306.750 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 7.878.586 ca mắc, 247.747 ca tử vong
4. Châu Âu: 4.802.,735 ca mắc, 219.947 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.459.190 ca mắc, 35.080 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 31.017 ca mắc, 910 ca tử vong