Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án Khu đô thị mới Bắc sông Cấm

Vừa qua, nhiều hộ dân huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sự bất hợp lý trong quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ để thực hiện Dự án Ðầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (Hải Phòng).
Một góc Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (Hải Phòng).

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, trú tại thôn Bến Bính (xã Tân Dương) cho biết, từ năm 2005, gia đình bà thường xuyên sử dụng thửa đất có diện tích 66 m2, ký hiệu số 240, tờ bản đồ số 8 (thuộc thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Sau khi có chủ trương thực hiện Dự án Ðầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (Dự án), UBND huyện Thủy Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi diện tích nêu trên (là loại đất ao, đầm).

Gia đình bà chỉ nhận được phần tiền bồi thường, hỗ trợ đối với loại đất này và cũng không được nhận suất tái định cư, mặc dù hai người con của bà Nga đủ điều kiện tách hộ nhưng vẫn chỉ sinh sống trên một địa chỉ duy nhất có diện tích 21 m2 tại phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng). Việc thu hồi 66 m2 nhưng không bố trí tái định cư khiến gia đình bà Nga lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Giống trường hợp của bà Nga, ông Phạm Văn Bảo (trú tại thôn Bến Bính) cho rằng, việc UBND huyện Thủy Nguyên triển khai các quy trình giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án có nhiều điểm chưa hợp lý, không công khai, minh bạch, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hàng trăm hộ dân cư trú tại đây.

Cụ thể, đó là Dự án quá thời hạn theo Quyết định số 1131/QÐ-TTg ngày 24/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ (từ năm 2016 đến năm 2020), nhưng không có văn bản chấp thuận gia hạn; không công khai bản đồ quy hoạch 1/500; không cắm mốc giải phóng mặt bằng; không công khai thông tin quy hoạch Dự án; không tổ chức đo đạc thực địa mà tự quy diện tích dôi dư đang sử dụng của người dân vào diện tích UBND xã quản lý; UBND huyện Thủy Nguyên ký ban hành các quyết định thu hồi đất là trái thẩm quyền; tùy tiện áp giá đền bù, hỗ trợ; sử dụng văn bản hết hiệu lực (Quyết định phê duyệt giá đất số 1281/QÐ-UBND ngày 12/6/2018 của thành phố Hải Phòng) để tính giá bồi thường; sử dụng giấy tờ không có giá trị pháp lý hoặc chưa được kiểm chứng (phiếu lấy ý kiến dân cư); không có phương án tái định cư đối với các hộ dân có đất bị thu hồi. Chưa kể, quá trình ban hành, thực thi quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng trái quy trình, thiếu khách quan và vi phạm quy định của pháp luật...

Hàng chục hộ dân ở xã Tân Dương có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án cho rằng diện tích đất họ đang sử dụng có nguồn gốc của Công ty 202 và Trường Hải quân Vùng 1 đã chia hoặc bán cho dân từ những năm 1988. Thế nhưng đều bị quy là đất khai hoang, lấn chiếm (do UBND xã quản lý). Do đó, diện tích được cơ quan chức năng tính toán bồi thường, hỗ trợ thấp hơn nhiều so với diện tích thực tế người dân đang sử dụng. Số tiền đền bù thấp nên nhiều hộ dân không đủ khả năng để tìm nơi ở mới.

Làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển, Dự án được triển khai theo Quyết định số 1131/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngày 15/9/2016, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2008/QÐ-UBND phê duyệt Dự án.

Theo đó, Dự án có tổng diện tích sử dụng đất là 324 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 140 nghìn tỷ đồng, nằm trên địa bàn quản lý của huyện Thủy Nguyên. Huyện xác định đây là Dự án được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng cũng như các cơ quan chức năng. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân có đất bị thu hồi nếu đủ điều kiện. Vì vậy, lãnh đạo UBND huyện đã tập trung dồn sức cho kịp tiến độ của Dự án, trong đó công tác giải quyết khiếu nại của công dân được quan tâm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm.

Theo ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên: Quy trình Dự án cũng như việc bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện hết sức tỉ mỉ căn cứ trên hiện trạng và giấy tờ địa chính. Mỗi trường hợp thu hồi đất đều được tính toán chi tiết, hạn chế thấp nhất những sai lệch làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Tuy vậy, với gần 2.800 hộ dân có đất bị thu hồi, để nhận được sự đồng thuận của tất cả là rất khó khăn... Ðến nay, còn một số hộ ở thôn Bến Bính A, B chưa bàn giao mặt bằng buộc phải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất...

Về cơ bản Dự án đạt tiến độ đề ra. Thành phố đã yêu cầu UBND huyện Thủy Nguyên cũng như các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền đối với các hộ đã bàn giao mặt bằng. UBND huyện và thành phố cũng tập trung xử lý dứt điểm những khiếu nại của công dân trong quá trình thực hiện Dự án đúng quy định của pháp luật...

Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng

Quy trình triển khai Dự án của UBND huyện đều đúng chủ trương của Chính phủ, thành phố và tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ việc lập quy hoạch, kiểm đếm, đo đạc, xác định và cắm mốc giới, thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết khiếu nại chúng tôi đều tiến hành công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, có một số vướng mắc đã được khắc phục như việc cắm lại mốc giới do bị che lấp; kiểm đếm tài sản trên đất...

ÐINH CHÍNH QUYỀN

Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thủy Nguyên ban hành văn bản thu hồi đất có nhiều nội dung chưa chính xác, thí dụ như xác nhận diện tích chưa đúng, áp giá bồi thường chưa phù hợp, xác định không đúng thời điểm sử dụng đất, sử dụng giấy xác nhận ý kiến dân cư không có giá trị...

Luật sư VŨ VĂN LỢI

Công ty Luật Hòa Lợi, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội