Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở Tuyên Quang

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Tuyên Quang còn 3.820 hộ nghèo (chiếm 19,96% hộ nghèo) đang ở nhà tạm, dột nát, có nhu cầu sửa chữa, làm nhà ở mới. Đây là những hộ nghèo chủ yếu nằm ở các xã có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an trao biểu trưng hỗ trợ làm mới 1.400 nhà cho hộ nghèo tỉnh Tuyên Quang.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an trao biểu trưng hỗ trợ làm mới 1.400 nhà cho hộ nghèo tỉnh Tuyên Quang.

Qua khảo sát thực trạng về nhà ở của hộ nghèo tại thời điểm tháng 6/2021 (được tiến hành từ hộ nghèo ở thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố), toàn tỉnh có 3.820 hộ nghèo (chiếm 19,96%) đang ở nhà tạm, dột nát, có nhu cầu sửa chữa, làm nhà ở mới. Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 3.255 hộ, chiếm tỷ lệ 85,2%.

Đa số nhà ở của hộ nghèo cần phải làm mới, sửa chữa đều đã xuống cấp, khung nhà đã bị mối mọt, vách nhà tạm bợ bằng bạt, tre, nứa, mái lá, mái proximăng đã cũ, bị dột nát, một số hộ có nền nhà bằng đất không bảo đảm. Trong đó: nhà xây 180 hộ; nhà đất 64 hộ; nhà gỗ 3.124 hộ; nhà tre nứa 220 hộ; lều lán 104 hộ. Số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1.920 hộ, số hộ chưa có đất ở 54 hộ, số hộ chưa có nhà ở 128 hộ.

Tuy nhiên, khó khăn ở đây là nhiều hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể làm nhà ở. Trong đó, một số hộ đã làm hồ sơ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, hộ mới tách ra ở riêng nên chưa làm hồ sơ, một số hộ nằm trên phạm vi hành lang an toàn giao thông, đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; một số hộ ở trên đất rừng phòng hộ, không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận; một số hộ ở chung với bố mẹ chưa tách được đất; do kinh phí phục vụ công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai phân bổ chậm và chưa đáp ứng theo yêu cầu...

Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở còn thiếu tính kế hoạch và tập trung nguồn lực. Phần lớn nguồn lực thông qua vận động trong cộng đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu làm nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Việc lồng ghép giữa các nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo chưa đồng bộ, hiệu quả. Mức hỗ trợ làm nhà ở mới và sửa chữa nhà ở còn thấp, chưa đồng nhất, giá cả vật tư tăng theo từng năm, trong khi đó khả năng của các hộ nghèo tự đảm đương kinh phí còn lại để xây mới còn rất khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở Tuyên Quang ảnh 1

Lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang giúp công lao động xây nhà cho hộ nghèo.

Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc rà soát hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở và thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo có nơi chưa chặt chẽ. Một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng lười lao động, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo giải quyết kịp thời đất ở đối với hộ nghèo chưa có đất ở, nhà ở, trên cơ sở quy định của pháp luật để hộ nghèo có đất xây dựng nhà ở; giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tập trung giải quyết tạo quỹ đất ở cho các hộ gia đình đang ở trong rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, nằm trong hành lang công trình công cộng (đường giao thông, đê điều...).

Nổi bật trong việc thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022 là chương trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo của Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Công an đã phối hợp với tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho 1.400 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Mỗi ngôi nhà đều bảo đảm tiêu chuẩn: nền cứng, mái cứng, vách cứng theo mẫu thiết kế của Bộ Công an.

Triển khai thực hiện, tỉnh Tuyên Quang đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, rà soát lựa chọn hộ gia đình khó khăn về nhà ở, bảo đảm đúng đối tượng. Qua đó đã xác định 1.400 hộ trong số 3.820 hộ được ưu tiên hỗ trợ làm nhà ở trước.

Các đơn vị thuộc Công an tỉnh Tuyên Quang huy động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ với hơn 14.000 ngày công giúp người dân san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đến tháng 8/2022 đã hoàn thành và bàn giao nhà ở cho các hộ gia đình.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Chiêm Hoá xây dựng kế hoạch xóa 543 nhà tạm, trong đó năm 2022 hỗ trợ 272 hộ làm nhà mới, sửa chữa nhà ở. Ngoài nguồn hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn huy động cộng đồng, dòng họ, anh em đóng góp trên 730 triệu đồng và hơn 13.000 ngày công lao động hỗ trợ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà, sửa nhà.

Đến nay, toàn huyện đã có 120 nhà hoàn thành, 40 nhà đang làm, 27 nhà đã dự kiến thời gian khởi công…

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở Tuyên Quang ảnh 2

Người dân huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang giúp nhau sửa chữa nhà ở.

Đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ làm mới 2.242 nhà và sửa chữa 222 nhà ở cho những hộ gia đình nghèo có nhà ở tạm, dột nát. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, gặp khó khăn do mưa lũ, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro. Đây là kết quả của việc huy động các nguồn lực và vận động cộng đồng chung tay giúp người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh đã xây dựng Đề án xóa nhà tạm, dột nát nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội và được tiếp cận thuận lợi các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới.

Đồng thời, gắn kết, lồng ghép đồng bộ nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, chương trình giảm nghèo đang thực hiện trên địa bàn tỉnh hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm, khuyến khích hộ nghèo nỗ lực cố gắng, vươn lên thoát nghèo bền vững.