Tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học

NDO - Ngày 26/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, năm học 2022-2023 là năm tiếp theo giáo dục đại học thực hiện tự chủ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, qua đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%).

Công tác tuyển sinh đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 84,56%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 55,86%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 41,86%.

Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.002.100; số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non (bằng 65,90% số thí sinh dự thi), với tổng số gần 3,4 triệu nguyện vọng.

Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023 cũng tăng 7,9% so với 2022.

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 2 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay; 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, tăng 1 cơ sở so với năm 2022.

Tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học ảnh 1

Đại biểu tham dự hội nghị.

Theo công bố tại website research.com về kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực. Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng đề cập những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục đại học như: Hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ; một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.

Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu…

Tại hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng đã có các trao đổi, đề xuất, kiến nghị xung quanh các nội dung nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất triển khai trong năm học 2023-2024.

Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội Nguyễn Đình Tú mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm. “Nếu không rất khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây. Tôi biết có nhiều trường khó khăn chồng chất”, ông Tú nói.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo cơ chế khuyến khích người học vào học các ngành khó thu hút, nhưng quan trọng với sự phát triển của đất nước.

Ông cũng đề nghị Bộ kiến nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển giáo dục đại học. Đồng thời, thực hiện quyết liệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, lấy đó làm cơ sở đầu tư trọng tâm, trọng điểm; thí điểm mô hình đại học số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, nỗ lực cố gắng và trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học.

“Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong giáo dục đại học ngày càng lớn, thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị-xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng đánh giá.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học.

Mặc dù vậy, giáo dục đại học vẫn còn những hạn chế, tồn tại, phát triển chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tới 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục đại học năm học 2023-2024.

Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy…