Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tự chủ trong giáo dục đại học bắt đầu từ năm 1993 khi thành lập Ðại học Quốc gia Hà Nội là mô hình tự chủ cao thực hiện theo quy định của Chính phủ. Những năm trước, các trường đại học công lập được giao tự chủ nhưng phải tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NÐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định rõ mức thu đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo các mức độ tự chủ.
Khảo sát của Bộ Giáo dục và Ðào tạo năm học 2022-2023 đối với 232 cơ sở giáo dục đại học cho thấy: Có 32,76% số trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% số trường tự bảo đảm chi thường xuyên; 7,33% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 9,05% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên; 33,62% số trường hiện đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác; 3,45% số trường đang được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
Phần lớn các trường tích cực triển khai tự chủ tài chính đã thu được những kết quả tích cực; một số trường bước đầu tự chủ tài chính cho nên kết quả chưa đáng kể. Trong đó, tự chủ về học phí và quy chế tài chính, chi tiêu nội bộ tạo thuận lợi trong triển khai và mang lại tác động tích cực cho các trường.
Tuy nhiên, thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đối với các trường trực thuộc cho thấy, về cơ bản, nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỷ trọng hơn 50% trong tổng chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học và sau đại học; chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỷ trọng 7%; chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỷ trọng 10%; chi đào tạo khác chiếm tỷ trọng khoảng 25%-26%.
Với cơ cấu chi nêu trên cho thấy do nguồn kinh phí của các trường còn hạn hẹp, chủ yếu dành để chi trả cho nhân sự, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước còn chưa thuận lợi.
Hiện nay còn đang thiếu các quy định trong cơ chế quản lý đầu tư nguồn vốn từ ngân sách nhà nước vào các việc: Xây dựng cơ sở vật chất tại các trường đại học như một kênh đầu tư có thu hồi vốn; tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất theo quy định; tự chủ đầu tư, vay vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng hoặc huy động các nguồn tài chính khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng…
Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, quá trình tự chủ tài chính, trường đã hoàn thiện và xây dựng mới các văn bản quản lý tài chính; đa dạng hóa nguồn thu phục vụ phát triển giáo dục; gia tăng tích lũy cho phát triển bền vững. Ðáng chú ý, trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và cải thiện thu nhập của viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, thực tế tự chủ ở Trường đại học Ngoại thương cho thấy giai đoạn đầu thực hiện, các quy định liên quan tới tự chủ tài chính còn thiếu và được ban hành chậm hơn so với thực tiễn, nhiều quy định còn chồng chéo, cùng một lúc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Mặc dù, hiện nay Trường đại học Ngoại thương đã xây dựng các dự án phát triển khuôn viên nhưng do cơ chế về huy động nguồn lực bên ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng cho nên tiến độ triển khai còn chậm…
Vì vậy, từ thực tiễn triển khai tự chủ của đơn vị cho thấy: Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện rà soát các văn bản ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực thi cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, cần có quỹ đầu tư phát triển cho vay để đầu tư phát triển dài hạn giúp các trường đầu tư cho phát triển nhất là về cơ sở hạ tầng.
Ðại diện Trường đại học Trà Vinh cho rằng, cơ chế tự chủ tài chính hiện nay còn thiếu tính đồng bộ để tạo môi trường tốt cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học công lập tuy đã được giao tự chủ tài chính chi thường xuyên và đầu tư, song trên thực tế hoạt động vẫn đang tuân thủ và là đối tượng điều chỉnh của nhiều luật, các nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trường đại học Trà Vinh được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động thì được quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học-công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp nhưng khi thực hiện thì cơ quan chuyên môn địa phương yêu cầu phải làm đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của nhiều quy định khác nhau… Vì vậy, Chính phủ cần có Nghị định riêng đối với các trường công lập tự chủ, trên cơ sở tích hợp các văn bản pháp luật có liên quan nhằm thống nhất cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh chồng chéo.
Vụ trưởng Giáo dục Ðại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, giai đoạn 2022-2026, ngành giáo dục định hướng trọng tâm đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Ðảng và Nhà nước. Việc tự chủ trong giáo dục đại học cần hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước đối với giáo dục đại học.
Ngành giáo dục sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ, xã hội hóa trong giáo dục đại học; các ngành tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ…