Thành phố Hồ Chí Minh thiếu trầm trọng trường mầm non giữ trẻ ngoài giờ

NDO - Tọa đàm Thực trạng nhà trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ công nhân trong chăm sóc và nuôi dạy con, khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 8/10, đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của các công ty, doanh nghiệp về tình hình hệ thống giáo dục mầm non chăm sóc trẻ; những khó khăn bất cập cùng những giải pháp thiết thực được các bên đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm Thực trạng nhà trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ công nhân trong chăm sóc và nuôi dạy con. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm Thực trạng nhà trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ công nhân trong chăm sóc và nuôi dạy con. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố đang quản lý công tác công đoàn 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 732 Công đoàn cơ sở, có 130.436 nữ trên tổng số 217.394 công nhân lao động (tỷ lệ gần 70%), đa số là công nhân ngoại tỉnh, chiếm tỷ lệ trên 50%.

Song thực trạng thiếu các trường mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các Khu chế xuất và Khu Công nghiệp đang là nỗi lo lắng của hàng nghìn công nhân đang lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một bất cập khác là thời gian hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non công lập gần như không khớp và khó đồng bộ với thời gian cần gửi trẻ của người lao động.

Trong khi công nhân tại các Khu chế xuất và Khu Công nghiệp thường xuyên phải làm việc đến 19 giờ, làm việc theo ca vào cuối tuần. Nhưng, các trường mần non công lập chỉ nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, không nhận giữ trẻ vào dịp cuối tuần và dịp nghỉ hè.

Thành phố Hồ Chí Minh thiếu trầm trọng trường mầm non giữ trẻ ngoài giờ ảnh 1

Trường Mầm non Thanh Bình thuộc Khu lưu trú Công nhân Công ty Thiên Phát, Khu chế xuất Linh Trung 2. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Khảo sát của Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố cho thấy, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng ước khoản 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Trong khi đó, học phí ở các trường mầm non tư thục bảo đảm chất lượng có mức học phí cao, gấp 5-9 lần so trường công lập, trong khi lương công nhân còn thấp, dao động từ 6-12 triệu đồng/tháng đối với nữ công nhân (bao gồm lương tăng ca).

Một số công ty đóng tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp có nhiều lao động nữ đã chia sẻ các chính sách, chế độ chăm lo cho người lao động nhằm hỗ trợ, tạo động lực để lao động nữ làm việc, tham gia lao động sản xuất.

Công ty Sài Gòn Food (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) đã quan tâm đến lao động nữ, ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các chính sách chăm lo cho con đoàn viên, công nhân lao động tại công ty.

Đơn cử như nữ cán bộ nhân viên mang thai từ tháng thứ 7 và chăm nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được tạo điều kiện cho về sớm và vẫn được hưởng nguyên lương.

Tại đây, một trong những mô hình quan tâm chăm lo tiêu biểu là thành lập hoạt động Câu Lạc bộ “Mẹ bỉm sữa”, giảm giá các sản phẩm cháo cho nữ cán bộ nhân viên chăm nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Hạn chế được Công đoàn công ty nhìn nhận là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, tập trung vào công việc chuyên môn là chủ yếu nên việc dành thời gian cho hoạt động công đoàn còn hạn chế, vì vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em; các sân chơi chỉ mang tính chất quy mô nhỏ, tặng quà cho con đoàn viên, công nhân lao động là chủ yếu.

Chia sẻ câu chuyện thực tế, chị Phùng Diễm Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Deahan Motors- Khu công nghiệp cơ khí ô-tô (huyện Củ Chi) cho hay: “Do không có điều kiện gởi trẻ nên có thực trạng công nhân gởi trẻ cho người thân, quen giữ hộ nên trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh hoặc xem tivi, dẫn đến hiện tượng trẻ chậm nói, ít vận động tăng lên".

Bản thân chị Tuyền lúc sinh con nhỏ, không có ai trông nên phải gửi cho người hàng xóm. Hậu quả, con chị 4 tuổi nhưng chỉ nói được vài câu, vì ít được giáo dục và giao tiếp.

Công đoàn Công ty Deahan Motors cũng như các Công đoàn cơ sở khác đề xuất các cấp Công đoàn thành phố quan tâm đầu tư thêm hệ thống giáo dục mầm non nhằm hỗ trợ nơi giữ trẻ cho công nhân lao động, tạo thêm sân chơi, nơi sinh hoạt, vui chơi cho trẻ em là con công nhân.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, với 70% lao động nhập cư, lao động nữ chiếm 50%, đây là thách thức lớn đặt ra cho đơn vị quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh về nhà ở, cơ sở mầm non nuôi dạy trẻ, nơi vui chơi...

Do đó, Trung ương và thành phố cần quan tâm lực lượng lao động nữ, lao động nữ thâm dụng lao động trong độ tuổi sinh đẻ.

Một số chính sách hỗ trợ cho con em lao động cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bao phủ diện hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng đều được hỗ trợ đầy đủ.

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp gia tăng cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp góp phần cho sự hình thành và phát triển của các gia đình công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay.

Trước thực trạng thiếu trường lớp mầm non dành cho con công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách giải quyết khó khăn đối với cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực này. Trong đó, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.