Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm một số chính sách hỗ trợ nhân viên ngành y

NDO -

Chiều 4/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố thông tin, trong 3 tháng đầu năm, khoảng 400 nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh xin nghỉ việc với lý do môi trường không phù hợp hoặc thu nhập thấp.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, tình trạng nhân viên y tế của các bệnh viện, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nghỉ việc xảy ra hằng năm.

Sở Y tế ghi nhận nhiều lý do được đưa ra như nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, thu nhập chưa như mong đợi.

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến nguồn thu nhập của các bệnh viện, cơ sở y tế giảm nên nhân viên y tế nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi, bà Như cho hay.

Theo đại diện Sở Y tế, trước tình hình này, ngành y tế đang tính đến một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến cơ sở.

Tuần này, Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ họp và thông qua một số chính sách hỗ trợ nhân viên ngành y.

Phản hồi về vấn đề cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố vi phạm quy định khi đã tiếp tay để tuồn heo chết tại cơ sở giết mổ đưa ra ngoài tiêu thụ thông qua 1 đầu mối thu gom lớn, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Phạm Khánh Phong Lan cho hay, hiện tại, cơ quan chức năng đang xem xét kỷ luật các cán bộ thú y liên quan, rà soát lại các quy trình giết mổ và tiêu thụ.

Sau khi nhận thông tin từ cơ quan báo chí, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã kiểm tra đột xuất và phát hiện 2 cơ sở tại Hóc Môn kinh doanh số thịt trên với khối lượng hơn 953kg, từ đó xử phạt 50 triệu đồng và yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy.

Một cơ sở khác tại Bình Thạnh cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt vì kinh doanh thịt không có nguồn gốc, giấy tờ.

“Sự việc xảy ra là bài học cho cơ quan quản lý phải làm sao để chấn chỉnh tình trạng này. Ban quản lý An toàn thực phẩm đã báo cáo lên Ủy ban nhân dân Thành phố để cùng có cơ chế quản lý, giám sát chứ không phó mặc toàn bộ khâu chăn nuôi, giết mổ cho lực lượng nông nghiệp”, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.

Tại họp báo, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm cũng khẳng định, không nên vì 1 vụ việc mà cho rằng thịt heo bẩn đang tràn lan trên thị trường. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật nghiêm khắc. Về phía người dân, bà cũng khuyến cáo nên mua thịt tại các địa chỉ uy tín.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương hiếm hoi trong cả nước đã dẹp lò giết mổ nhỏ lẻ để tập trung vào lò giết mổ tập trung và đi lên hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Thành phố tiến hành đề án truy xuất nguồn gốc để quản lý từ trang trại đến tay người tiêu dùng.