Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến “Thành phố sáng tạo” của UNESCO

NDO - Ngày 14/11, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo mang chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Tính đến nay, mạng lưới “Thành phố sáng tạo” có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia.

Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến “Thành phố sáng tạo” của UNESCO ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trình bày đề dẫn Hội thảo.

Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây, tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.

Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.

Theo kế hoạch này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu... có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến “Thành phố sáng tạo” của UNESCO ảnh 2

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Tiên phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển điện ảnh có bề dày, sâu, rộng, hướng tới tương lai. Thành phố cần mở thêm cơ sở đào tạo lĩnh vực điện ảnh, mở các khóa học ngắn hạn, cấp chứng chỉ về đào tạo diễn xuất, làm phim… với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế; phát triển đa dạng các thể loại trong lĩnh vực điện ảnh; đồng thời, tổ chức nhiều tuần lễ phim với các chuyên đề khác nhau…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Giảng viên Đại học Hùng Vương

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của các đại biểu đã thể hiện sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau đối với chủ đề hội thảo.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ ba nội dung cơ bản: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào; những giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến “Thành phố sáng tạo” của UNESCO ảnh 3

Đạo diễn, Nhà báo Thanh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí minh cho biết, việc Thành phố chọn điện ảnh là lĩnh vực mũi nhọn để tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo sẽ khó thực hiện được theo kế hoạch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vì điện ảnh cần sự đầu tư rất lớn, trong khi dù đứng đầu cả nước, nhưng điện ảnh Thành phố vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có bản sắc riêng và chưa đi vào cộng đồng.

“Thành phố cần tìm lĩnh vực phù hợp hơn như nghệ thuật truyền thông vì nó có thể đi vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật, mang tính cộng đồng cao để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của UNESCO”, ông Nguyễn Xuân Tiên ý kiến.

Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố sáng tạo phải xuất phát từ sự sáng tạo của toàn dân.

Công nghiệp văn hóa hay Thành phố sáng tạo UNESCO đều nhằm mục đích xây dựng thương hiệu địa phương của các thành phố trên toàn thế giới.

Chính vì thế, Thành phố cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển “Thành phố sáng tạo”, khẳng định với thế giới.