Theo HCDC, tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh có số ca mắc trên bình quân mật độ dân số cao. Dự báo, số ca mắc tay chân miệng và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới.
Theo đó, từ đầu năm đến ngày 14/7, thành phố ghi nhận có 7.823 ca mắc mới, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,95%). Riêng trong tháng 6 và 2 tuần đầu của tháng 7, tổng số ca điều trị nội trú là 1.774 ca, trong đó có 371 ca địa chỉ tại thành phố, chiếm tỷ lệ 20,9%.
Ngành y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới, tỷ lệ nhập viện và ca nặng từ các tỉnh chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 80%. Đến hiện tại, có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của thành phố đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành phố khác.
Trước đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo về tình hình bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía nam, trong khi lượng tồn thuốc Immunoglobulin (IVIG) sử dụng điều trị tay chân miệng tại các bệnh viện hiện chỉ còn khoảng 2.400 lọ.
Dự kiến đến cuối tháng 8/2023 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo với số lượng hạn chế và nguy cơ Thành phố sẽ thiếu thuốc IVIG điều trị tay chân miệng sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7/2023 trở đi hoặc sớm hơn, nếu tình hình dịch còn diễn tiến nhanh và phức tạp như hiện nay.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh, thành phố có năng lực trong công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng như: bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai… tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận, nhằm bảo đảm các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG nếu có.