Khánh Hòa tập trung phòng, chống dịch tay chân miệng

Từ đầu tháng 7/2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Khánh Hòa tăng đột biến. Nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng và đã có một ca bệnh tử vong. Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã bớt căng thẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Khánh Hòa có 1.205 ca mắc tay chân miệng, tăng 558 ca so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc tăng cao trong tháng 6 với 267 ca; tháng 7 với 795 ca, vượt qua mức trung bình của 5 năm 2018-2022. Ðặc biệt đầu tháng 7, số ca mắc đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch.

Hiện nay, tất cả tám huyện, thị xã, thành phố ở Khánh Hòa đều có ca mắc tay chân miệng. Trong đó, huyện Vạn Ninh có số ca mắc cao nhất (413 ca), tiếp đến là thành phố Nha Trang (398 ca), các huyện miền núi cũng có nhiều ca mắc. Vạn Ninh còn là địa phương có số ổ dịch cao nhất, với 28 trong tổng số 61 ổ dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Theo phân tích của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tập trung ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống, chiếm 93,4% số ca mắc; trong đó, nhóm từ 13 đến 36 tháng tuổi chiếm 60,4% tổng số trường hợp mắc… tuổi trung bình mắc bệnh tay chân miệng của trẻ là 2,5 tuổi. Phân độ lâm sàng của bệnh nhân chủ yếu là độ 1 và độ 2a. Trong số các ca mắc, ghi nhận 15 trường hợp có phân độ lâm sàng là độ 3 và ba trường hợp là độ 4. Một trong số ba trường hợp có độ 4 đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Ðông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, do vào chu kỳ đỉnh dịch, thời tiết nắng nóng nên dịch bệnh tay chân miệng phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có bệnh nền dễ chuyển nặng khi mắc bệnh. Năm nay, dịch có diễn biến nhanh, trở nặng nhanh, mức độ nguy hiểm cao hơn trước. Trước đây, từ bốn đến năm ngày bệnh mới chuyển nặng, nay chỉ từ hai đến ba ngày. Trường hợp bệnh nhân tử vong nêu trên là một điển hình cho sự nguy hiểm của dịch bệnh năm nay.

Thông thường, khoảng 90% số trẻ mắc tay chân miệng tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, năm nay, trong số 498 ca được lấy mẫu xét nghiệm có 231 ca dương tính, chiếm 46,4% số ca được xét nghiệm, phát hiện có kháng thể IgM của EV71. Ðây là chủng vi-rút có độc lực cao, trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dựa trên quy luật phát triển của dịch bệnh cũng như tình hình thời tiết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng cao vào các tháng tiếp theo. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, lực lượng y tế tuyến tỉnh đã khẩn trương hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xác minh ca bệnh và thực hiện ngay biện pháp phòng chống; truyền thông cách phòng bệnh, nhận biết bệnh tay chân miệng một cách dễ hiểu nhất đến các hộ dân, trường mầm non, mẫu giáo; khuyến cáo phụ huynh không được chủ quan vì bệnh tay chân miệng nếu để quá nặng sẽ dẫn đến biến chứng, tử vong. Trung tâm cũng đã ban hành kế hoạch về phòng chống bệnh; tổ chức giám sát, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố về công tác xác minh các ca bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; lồng ghép hoạt động truyền thông vào các ngày tổ chức tiêm chủng hằng tháng tại trạm y tế, trường mầm non, mẫu giáo; tập huấn cho những người làm công tác y tế học đường, bảo mẫu ở các trường mầm non.

Bác sĩ Nguyễn Ðông cho biết, để kịp thời cứu chữa người mắc tay chân miệng, bệnh viện phối hợp chặt chẽ với mạng lưới y tế cơ sở, nắm chắc tình hình diễn biến, những bệnh nhân độ 2b trở lên được kịp thời đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Ðông, các biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở ba giờ đầu tiên kể từ khi trẻ có các biểu hiện chuyển biến nặng; thời gian vàng để cứu trẻ mắc tay chân miệng là trước 72 giờ kể từ lúc xuất hiện biến chứng. Nếu trẻ đã xuất hiện biến chứng mà để quá 72 giờ mới được đưa đến bệnh viện thì việc cứu sống là khó khăn, nếu cứu được cũng để lại di chứng rất nặng nề.

Dự báo, bệnh tay chân miệng tại Khánh Hòa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, trong khi trẻ mắc tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với sốt mọc răng, phát ban, dị ứng… Cho nên, hễ thấy trẻ có các biểu hiện như sốt, nôn, biếng ăn, có bọng nước, vết loét dưới da, đặc biệt là ở tay, chân, miệng, phụ huynh phải nhanh chóng đưa các cháu đến cơ sở y tế để khám, điều trị bệnh kịp thời, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Ðông cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường nhập khẩu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo dịch rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ huynh có con em trong độ tuổi dễ bị mắc bệnh.