Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

NDO - Ngày 1/12, tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn xe cổ động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.
Đoàn xe cổ động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề “Chấm dứt dịch bệnh AIDS-Thanh niên sẵn sàng”.

Cụ thể, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS, mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 9/2022, ước tính Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 68.420 người nhiễm HIV, đã có 13.678 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ này.

Kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vào năm 1990 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Nhờ đó, tình hình bệnh HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp nhiễm chuyển sang AIDS và tử vong liên quan tới căn bệnh này hằng năm liên tục giảm.

Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (Tức 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm bệnh của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) với tỷ lệ tương ứng là 92-90,8-99.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên là việc làm cần thiết.

Để thực hiện được điều này, ngành Y tế cần tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận xét nghiệm, dự phòng đến điều trị; đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm.

Đồng thời, tổ chức đánh giá và mở rộng Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.

Đoàn Thanh niên các cấp tăng cường nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS; mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực trong tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS; mỗi tổ chức Đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả và thân thiện với thanh niên, nhất là nhóm thanh niên trẻ trong khu vực trường học, khu công nghiệp.