Thành phố Hồ Chí Minh cắt giảm 30% thủ tục trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp

NDO - Thời gian gần đây, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) liên tục cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước xảy ra dịch bệnh Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thông tin trên được ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại hội nghị gặp gỡ giữa Hepza và các doanh nghiệp của các Khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Lê Minh Xuân 3 và An Hạ, tổ chức sáng 28/9.

Theo đó, Hepza đã cắt giảm 30% thời gian xử lý đối với 3 thủ tục hành chính, gồm: Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đăng ký điều chỉnh từ 10 ngày xuống 7 ngày; giảm thời gian xử lý đối với thủ tục Báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ 9 ngày còn 7 ngày.

Đối với việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày, Hepza tiếp tục thực hiện đối với 7 thủ tục hành chính cho đến hết năm 2022. Hepza cũng đã rà soát và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xin ý kiến thực hiện giải quyết trong 1 ngày làm việc đối với 5 thủ tục hành chính trong danh sách này kể từ năm 2023.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp nêu lên một số tồn tại như vấn đề xử lý môi trường, thoát nước, thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư, thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy...; đồng thời mong muốn Hepza phối hợp cùng các đơn vị hỗ trợ cung ứng lao động để các công ty hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất chủ động tuyển dụng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ông Lưu Tiến Cảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Merufa đóng trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, phản ánh, công ty có nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đề nghị điều chỉnh vốn điều lệ trên Giấy phép đăng ký kinh doanh cho đúng với vốn thực góp. Tuy nhiên, đã 4 tháng rồi mà công ty vẫn chưa nhận được phản hồi của Sở này. Việc chậm "hồi âm" từ phía Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã ảnh hưởng đến việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ ghi trên Giấy phép kinh doanh phù hợp theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh…

Lãnh đạo Hepza thông tin, đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, Hepza đã tổ chức khảo sát để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời kiến nghị hoặc đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 29/6/2022, Hepza đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị phổ biến chính sách mới ban hành về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Dịp này, ngoài việc tổ chức ký kết các hợp đồng tín dụng của hơn 20 doanh nghiệp với các Ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn thành phố có tổng giá trị các khoản tín dụng hơn 4.663 tỷ đồng, các đơn vị tổ chức mong muốn đây sẽ là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp khác có nhu cầu và mở rộng quy mô hợp tác cũng như sẽ có cơ hội giải đáp các thắc mắc của cộng động doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đối với việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 4.500 ha; trong đó, có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp đã hoạt động. Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút hơn 1.600 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,272 tỷ USD và thu hút hơn 276.000 lao động.