Bình Dương có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp di dời vào các khu, cụm công nghiệp

NDO - Ngày 16/9, tại Bình Dương đã diễn ra hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp chịu tác động của đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành phát biểu tại hội nghị.

Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương”.

Qua khảo sát tình hình, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp chiếm đến 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày…

Vì vậy, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư, vừa góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Về lộ trình thực hiện việc di dời, thành phố Thuận An từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2028; thành phố Dĩ An từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thủ Dầu Một từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thị xã Tân Uyên từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2029; thị xã Bến Cát từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2030.

Bình Dương có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp di dời vào các khu, cụm công nghiệp ảnh 1

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp chịu tác động bởi đề án nêu ý kiến mong muốn được ổn định để duy trì sản xuất, kinh doanh vì mỗi lần thay đổi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ nhiều vấn đề như chi phí, đất đai, nguồn lao động, khách hàng, đối tác. Đây là chủ trương lớn của tỉnh phải thực hiện, các doanh nghiệp đề nghị cho làm từng bước một, có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ông cho rằng đây là đề án lớn, khó và hết sức quan trọng của tỉnh, khi thực hiện cần có sự đồng thuận của doanh nghiệp, đúng với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, giảm dần các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành mong muốn các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh, góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương.