Hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các địa phương, chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, địa chất, môi trường, du lịch tham gia hội thảo.
Khu di sản hang Con Moong gồm hàng chục hang động, mái đá phân bố trong không gian rộng hơn 20.000ha tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cùng một số địa vực thuộc tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Khu di sản hang Con Moong được phát hiện, khai quật, nghiên cứu từ năm 1974; tiếp tục được các nhà khảo cổ học Việt Nam và Liên bang Nga nghiên cứu trong các năm 2010-2014 đã xác định được dấu tích người Tiền Sử trong địa tầng dày hơn 10m bảo lưu dấu tích cư trú của con người từ 50.000 năm đến 7.000 năm (cách ngày nay).
Khu di sản hang Con Moong có giá trị trong việc nghiên cứu tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á, được nghiên cứu liên tục, có hệ thống trong nửa thế kỷ qua. Di sản đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Hoạt động khai quật khảo cổ học và xử lý mẫu vật. |
Các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo khoa học nhất trí cho rằng, hang Con Moong và vùng phụ cận có thể đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu, xứng đáng xây dựng hồ sơ đề cử vinh danh là Di sản thế giới. Đó là di sản hang Con Moong có tầng văn hóa dày vào bậc nhất Đông Nam Á với diễn biến tiếp nối nhau liên tục; minh chứng thuyết phục truyền thống chế tác đá cuội với các kỹ nghệ tiêu biểu như Tiền Hòa Bình có niên đại khoảng 40.000-30.000 năm, kỹ nghệ Hòa Bình có niên đại từ khoảng 30.000 năm-20.000 năm và hậu Hòa Bình 17.000 năm-7.000 năm (cách ngày nay).
Truyền thống văn hóa đó thích ứng với biến động môi trường cổ khu vực Vườn quốc gia Cúc Phương, gắn liền với quá trình biến đổi từ cuối Cánh Tân sang đầu Toàn Tân, đặc biệt là giai đoạn băng hà cuối cùng, thể hiện sự tương tác chặt chẽ giữa người với môi trường.
Truyền thống văn hóa đó thích ứng với biến động môi trường cổ khu vực Vườn quốc gia Cúc Phương, gắn liền với quá trình biến đổi từ cuối Cánh Tân sang đầu Toàn Tân, đặc biệt là giai đoạn băng hà cuối cùng, thể hiện sự tương tác chặt chẽ giữa người với môi trường.
Khu di sản hang Con Moong đáp ứng nội dung tiêu chí nổi bật về một loại hình cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai, hay sử dụng biển, sự tương tác giữa con người và môi trường. Với tiêu chí này, khu di sản hang Con Moong có sự nổi bật hơn về hình thái cư trú lâu đời trong hang động cùng sự thích ứng văn hóa với các thay đổi của khí hậu qua tổ hợp công cụ và tàn tích cổ sinh. Truyền thống cư trú hang động diễn biến lâu dài tại hang Con Moong bởi các thế hệ người kế tiếp nhau liên tục, nhất là từ giai đoạn Sơn Vi, Hòa Bình và hậu Hòa Bình.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học. |
Thêm nữa, khu di sản hang Con Moong nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương. Tại đây có đỉnh Mây Bạc cao 648,2m bảo tồn đa dạng sinh học rất cao và Vườn quốc gia Cúc Phương được ghi danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Hội thảo kiến nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai thực hiện nhiệm vụ và xây dựng hồ sơ Khu di sản hang Con Moong đề cử UNESCO, sớm xây dựng Đề án: Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di tích hang Con Moong trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Mời Trung tâm Di sản Thế giới, cơ quan tư vấn của UNESCO cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đề cử Khu di sản hang Con Moong là di sản thế giới; xây dựng hồ sơ đề cử theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của UNESCO. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các cơ quan UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và ở Paris để thực hiện các quy trình xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín phát biểu tại Hội thảo. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cho rằng, công tác xây dựng hồ sơ di sản thế giới đòi hỏi sự kiên trì và cần sự tập trung trí tuệ rất cao của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa, các bên liên quan, của các nhà khoa học, quản lý đầu ngành trong nước và quốc tế. Đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, phải thực hiện nhiều khâu, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công công việc cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh việc liên hệ và mong sớm được Trung tâm Di sản thế giới xem xét cử chuyên gia tư vấn quốc tế vào khảo sát, đánh giá, nhận xét tính khả thi của việc xây dựng hồ sơ khoa học di tích hang Con Moong, đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Cần có kế hoạch làm việc hiệu quả với các chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm cùng tham gia nghiên cứu, hợp tác xây dựng hồ sơ.
Trước mắt, tập trung nghiên cứu, lựa chọn và biện luận cho các tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới hang Con Moong và các di tích có liên quan, xuất bản tài liệu về "Khu di sản hang Con Moong - Tính xác thực, tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu". Quan tâm thực hiện quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác du lịch Khu di tích hang Con Moong và các di tích có liên quan gắn với tính đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cúc phương, bản sắc văn hóa tộc Mường và phát triển du lịch bền vững trong liên kết vùng, làm căn cứ cho tỉnh làm việc với các chuyên gia tư vấn của UNESCO về hồ sơ Khu di sản hang Con Moong.