Thanh Hóa phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy phát triển vùng

NDO -

Ngày 6/7, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện nghị quyết 39-NQ/TW.

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Tỉnh ủy Thanh Hóa trong việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW thời gian qua; nhấn mạnh những thành tựu nổi bật về tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở vật chất hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, vận tải được đầu tư, có sự phát triển vượt bậc... và khẳng định Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống ở Thanh Hóa.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn gợi ý, tỉnh cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi với lộ trình phù hợp để thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37 của Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh, tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có các giải pháp phù hợp gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát huy được tiềm năng, lợi thế, lựa chọn được nhà đầu tư tốt, huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Thanh Hóa cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò cầu nối giữa vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng, với Tây Tây Bắc, nhất là vai trò của tỉnh trong tứ giác phát triển: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa.

Thanh Hóa phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy phát triển vùng -0 Bốc xếp hàng hóa tại Cảng quốc tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Gần 18 năm thực hiện Nghị quyết 39 và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đạt thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2004-2010 đạt 10,7%, giai đoạn 2011-2020 đạt 9,4%, năm 2021 đạt 8,85%, cao hơn so mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thuộc nhóm số ít các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển phù hợp tình hình phát triển của các vùng, miền trong tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường. Chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân được tăng cường.