Hơn 10 năm qua, năm nào Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp”. Từ cuộc thi này, nhiều đề tài khởi nghiệp của thanh niên được ứng dụng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: Sáng kiến chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề làm nấm của Lê Trọng Thiện và Nguyễn Hoàn ở huyện Đông Sơn; sản xuất đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học công nghệ Đăng Khoa ở huyện Nga Sơn; cơ sở sản xuất tinh dầu BEFINE do Dương Ngọc Trường làm chủ ở huyện miền núi Thạch Thành...
Ươm mầm, truyền cảm hứng khởi nghiệp
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh nhận xét: Cuộc thi truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên; đến nay đã thu hút 2.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi. Có 5 ý tưởng xuất sắc được doanh nghiệp trong tỉnh đỡ đầu thực hiện, 31 sản phẩm OCOP của thanh niên.
Tỉnh Thanh Hóa dành hơn 50 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn thực hiện dự án khởi nghiệp, lập nghiệp. Hơn 800 mô hình bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, các loại hình kinh tế hợp tác do thanh niên làm chủ được xây dựng, nhân rộng. Doanh nghiệp do thanh niên làm chủ chiếm khoảng 30% trong tổng 3.000 doanh nghiệp trong tỉnh thành lập mới hằng năm.
Trong năm vừa qua, thành phố Thanh Hóa phát triển thêm 1.600 doanh nghiệp, đến năm nay, tiếp tục thành lập mới 1.500 doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Mai Khanh thông tin: Trên địa bàn có hơn 8.700 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh thu 9 tháng đạt gần 60.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi phương thức hoạt động, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi; hiện đại hóa, điện tử hóa các thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời hoặc phối hợp xử lý các kiến nghị, vướng mắc cho doanh nghiệp,...
Trên phạm vi toàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng điện tử đạt 99,9%, đăng ký thuế điện tử đạt 100%, kê khai và nộp thuế đạt 98%.
Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Hoàng Văn Thụ nhận xét: Cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích thành lập đi đôi với hỗ trợ nâng cao chất lượng doanh nghiệp, kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm Phòng thẩm định, xử lý 10.000 đến 15.000 hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp trên hệ thống điện tử mức độ 4, được ghi nhận không có hồ sơ trễ hẹn.
Hơn 10 tháng qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tổ chức 145 lớp bồi dưỡng kiến thức khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho 7.256 học viên, đạt hơn 94% kế hoạch; phối hợp tổ chức 9 khóa đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính, miễn phí chữ ký số năm đầu hoạt động cho hơn 800 doanh nghiệp. Ứng dụng mức độ 4 trong giải quyết các thủ tục liên quan trên môi trường điện tử là giải pháp thiết thực. Bộ phận chức năng cố gắng hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày hoặc tối đa không quá 3 ngày cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân, khu vực doanh nghiệp đóng góp 65-70% GRDP của tỉnh, Thanh Hóa đang thực hiện Đề án phát triển 15.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025; bố trí gần 100 tỷ đồng ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký doanh nghiệp, điều kiện gia nhập thị trường, tiếp cận vốn tín dụng; tư vấn chính sách thuế, chế độ kế toán; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Trong 2 năm qua, mỗi năm Thanh Hóa phát triển hơn 3.000 doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 36.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động khá hiệu quả.
Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu ghi nhận: Cộng đồng doanh nghiệp tạo việc làm cho 400.000 lao động, đóng góp hơn 50% ngân sách toàn tỉnh. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, riêng thành phố Thanh Hóa mỗi năm phát triển hơn 1.500 doanh nghiệp, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong toàn tỉnh.
Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tương đối lớn, song quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% số lượng; năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng, chống chịu trước những khó khăn thử thách còn yếu, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Thanh Hóa phối hợp tổ chức hàng trăm lớp đào tạo quản trị doanh nghiệp, nhân sự, hỗ trợ xúc tiến đầu tư tìm kiếm đối tác, tập huấn kỹ năng bán hàng, đàm phán hợp đồng, kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đới Sỹ Nam cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội đã chủ động xúc tiến việc liên kết, hợp tác cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản xuất, chế biến, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Hiệp hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tư vấn các giải pháp công nghệ; đề xuất triển khai các mô hình chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh số doanh nghiệp mới thành lập, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng có gần 1.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó hơn 70% tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Tỉnh đã thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe phản ánh, giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 9 tháng năm nay, đã có gần 203.500 khách hàng, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ được thụ hưởng 287 tỷ đồng hỗ trợ ưu đãi lãi suất, miễn, giảm lãi cho vay; thụ hưởng gần 2.000 tỷ đồng từ chính sách giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí,... giúp hơn 2.800 doanh nghiệp phục hồi, vực dậy sản xuất, kinh doanh so với cuối năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai sớm, nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ. Các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp thông tin về quy hoạch, tín dụng, thị trường, thuế, sản phẩm, công nghệ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo sự thân thiện, tin tưởng của doanh nghiệp và doanh nhân với các cơ quan chức năng trên địa bàn.