Sáng cùng ngày, tại vị trí K6+570-K6+690 m đê tả sông Càn, thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa xảy ra sự cố sạt, nứt mặt, thân đê và mái đê phía sông. Trong đó, đoạn mặt đê từ K6+570-K6+600m xuất hiện vết nứt dài khoảng 30 m, rộng 1,5 cm và cách mép đê phía sông khoảng 1,5m; đoạn mái đê phía sông từ K6+600-K6+690m bị sạt trượt dài khoảng 90m.
Những vết nứt trên mặt đê. |
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với lãnh đạo huyện Nga Sơn đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo huy động lực lượng, vật tư tại chỗ thực hiện công tác khắc phục giờ đầu sự cố.
Huyện Nga Sơn xử lý sự cố đê theo phương án "4 tại chỗ". |
Kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá cao sự chủ động của các ngành và huyện Nga Sơn trong việc khắc phục giờ đầu sự cố và yêu cầu huyện Nga Sơn tiếp tục theo dõi diễn biến sự cố, có các biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.
Địa phương khẩn trương khoanh vùng, cắm biển cảnh báo khu vực đang có diễn biến sạt lở; tiếp tục bố trí, phân công lực lượng canh đê, cấm các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố; khơi thông dòng chảy, phát quang mái đê nhằm phát hiện kịp thời các vị trí có thể phát sinh sự cố mới tại đoạn đê nguy cơ cao.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố đê. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Nga Sơn khảo sát, đánh giá cụ thể nguy cơ nứt sạt đoạn đê tả sông Càn đoạn qua xã Nga Điền, lập dự toán báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp sự cố đoạn đê bằng nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh.
Các đơn vị liên quan cần thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với các sự cố công trình trong mùa mưa bão.