Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường

NDO - Phát huy vai trò của các tổ chức trong tập hợp, hướng dẫn nhân dân giảm phát thải ra môi trường, xử lý nguồn thải tại gia, chung tay thu gom, phân loại rác, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động các nguồn lực cùng tham gia xử lý, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình "biến rác thải thành tiền" của phụ nữ phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Mô hình "biến rác thải thành tiền" của phụ nữ phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa.

Thu gom, phân loại, xử lý rác

Tại tổ dân phố Trần Phú, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, vào ngày cuối tuần, các hội viên hội phụ nữ chủ động quét dọn, làm vệ sinh môi trường khu dân cư, các tuyến phố, thu gom, phân loại rác. Rác thải nhựa, vỏ lon đồ uống được gom, bỏ vào tủ chứa, chi hội phụ nữ đem bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế.

Với số tiền thu được khoảng 3 triệu đồng/tháng, chi hội phụ nữ hỗ trợ cháu Trần Văn Nam (6 tuổi) học tập, sinh hoạt; chung tay tổ chức trại hè, thu hút thiếu niên, nhi đồng vào các hoạt động vui tươi, lành mạnh, bổ ích, trao học bổng cho học sinh học giỏi.

Biến rác thải thành tiền, chi hội phụ nữ có thêm nguồn hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, tặng quà cho người công với cách mạng, các tân binh, hội viên phụ nữ có gia cảnh khó khăn.

Huy động xã hội hóa, lắp đặt 750 thùng rác, 5 tủ chứa rác thải nhựa, gần 120 chậu trồng hoa bên các tuyến đường phố; các tình nguyện viên, chi hội trưởng các chi hội phụ nữ phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa trực tiếp làm vệ sinh môi trường gắn với thu gom, phân loại rác thải.

Theo đó, làm vệ sinh, phân loại rác dần trở thành ý thức tự giác, hoạt động hằng ngày ở nhiều hộ gia đình, khu dân cư, tổ dân phố, chung tay xây dựng đô thị “sáng-xanh-sạch-đẹp”.

Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường ảnh 2

Học sinh Thanh Hóa thu gom rác thải đại dương.

Ở vùng duyên hải Thanh Hóa, nhất là khu vực cửa sông, chất thải trôi về biển, có thời điểm dạt vào bờ với khối lượng lớn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Các cơ quan cấp tỉnh cùng chính quyền các địa phương, các tổ chức quần chúng thường xuyên phát động nhân dân ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, làm sạch bãi biển.

Được sự đồng hành của Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn, đầu tư và thương mại (INTRACO), cuối năm 2022, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương ra mắt mô hình thu gom, phân loại, tái chế, xử lý rác thải đại dương. Ban chỉ đạo, điều hành tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông về tác hại, các giải pháp hạn chế rác thải đại dương, hướng dẫn người dân sử dụng bao bì thân thiện môi trường, giảm chất phát thải khó tiêu hủy ra môi trường; tập hợp 14 tình nguyện viên thu gom, phân loại khoảng 30 tấn rác thải/tháng cho doanh nghiệp xử lý, tái chế.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Nham Bùi Thị Nhung bộc bạch: rác thải đại dương được doanh nghiệp thu mua 2.000 đồng/kg, tạo thêm nguồn thu nhập cho các tình nguyện viên có gia cảnh khó khăn. Tổ chức hội cũng có thêm nguồn hỗ trợ 4 học sinh nghèo, đỡ đầu cháu Bùi Quốc Thành Đạt học tập.

Ngoài hỗ trợ thu gom, tái chế rác thải đại dương thành các vật liệu xây dựng, Công ty INTRACO cùng đơn vị thành viên Công ty cổ phần nhựa tương lai xanh đã hỗ trợ xây dựng, bàn giao ngôi nhà cho gia đình ông Đặng Ngọc Quang ở thôn Trung, xã Quảng Nham; xây lắp 3 điểm trường học bằng vật liệu xây dựng tái chế từ rác thải ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Đầu năm 2024, doanh nghiệp dừng hỗ trợ thu gom, xử lý rác và người dân vùng biển mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay thu gom, tham gia xử lý, tái chế rác thải đại dương, bảo đảm an sinh xã hội.

Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường ảnh 3

Ngôi nhà được xây lắp bằng vật liệu tái chế từ rác ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.

Với hơn 26.500 hội viên nông dân, đạt tỷ lệ tập hợp 95%, nhiều năm qua Hội Nông dân huyện Quảng Xương thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong động viên nông dân thực hiện có hiệu quả tiêu chí về môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Hội nông dân các xã, thị trấn quán triệt tới hội viên chủ động gom, bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào 1.700 thùng chứa; tham mưu cho chính quyền cơ sở ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường Nghi Sơn vận chuyển, tiêu hủy rác thải nguy hại.

Cán bộ, các hội viên nông dân còn đảm nhiệm thu gom rác thải trên các dòng sông, kênh mương để xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, phát huy năng lực tưới, tiêu của công trình, hệ thống thủy lợi.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Xương Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Các cấp hội chú trọng, phát huy tính chủ động của nông dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; hiện xây dựng, dần nhân rộng mô hình phân loại, tái chế rác hữu cơ trong nông hộ.

Cụ thể hóa chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Môi trường nông thôn cùng tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông thu gom, phân loại, xử lý rác, chất thải cho 200 cán bộ các cấp hội nông dân.

Từ năm 2018 đến năm nay, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức 57 cuộc hội thảo, thu hút 3.316 người tham gia; mở nhiều lớp tập huấn bảo vệ môi trường cho gần 15 nghìn cán bộ, hội viên, nông dân và phối hợp tổ chức 4.294 lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn biện pháp bảo vệ môi trường cho hơn 191 nghìn lượt người.

Hội Nông dân Thanh Hóa còn triển khai 16 tiểu dự án, mô hình “thu gom, phân loại, xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại nguồn và cộng đồng dân cư”, trang cấp 1.886 thùng đựng rác thải vô cơ, hữu cơ cho các hộ gia đình ở 16 xã thuộc 13 huyện, thành phố, 60 xe thu gom rác chuyên dùng, hỗ trợ xây dựng 30 bể bê-tông đựng rác thải độc hại, hướng dẫn, hỗ trợ 40 tổ tự quản về bảo vệ môi trường.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa Lương Thị Hà thông tin thêm, mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được triển khai ở 553 xã, 4.299 thôn và đòi hỏi chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa tới việc vận chuyển, tiêu hủy nhóm rác thải nguy hại này.

Giảm phát thải ra môi trường

Từ năm 2022, Hội Nông dân Thanh Hóa tiếp nhận dự án “tuyên truyền, vận động nhân dân xử lý rác thải do Quỹ Brai tài trợ, đã và đang triển khai ở 11 xã thuộc các huyện: Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa.

Ngoài cấp 11 máy băm phụ phẩm nông nghiệp, dự án hỗ trợ 495 mô hình“lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi”, “nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày”, nuôi sâu can-xi, trùn quế, hàng trăm lít chế phẩm để xử lý gốc rạ trên mặt ruộng sau thu hoạch.

Ban quản lý dự án tổ chức 55 lớp tập huấn lý thuyết cho gần 3.000 cán bộ, hội viên, nông dân và thực hành kỹ thuật tại mô hình; thành lập các tổ thu gom rác, tuyên truyền, hướng dẫn thực hành.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức cho cán bộ, nông dân 9 huyện không tham gia dự án đến tham quan, học tập các mô hình, trao đổi trên diễn đàn, kết nối truyền thanh đến đông đảo nhân dân nhằm phổ cập, nhân rộng.

Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường ảnh 4

Máy băm rác hữu cơ trang cấp cho nông hộ ở xã Quảng Định, huyện Quảng Xương.

Tại xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, nông dân được hướng dẫn, thực hành nuôi trùn quế, sâu can xi, cấp phát chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý rạ sau thu hoạch trên gần 5ha ruộng và hỗ trợ một máy băm chất thải hữu cơ. Được cấp phát giống, chế phẩm, hỗ trợ kinh phí xây dựng bể xử lý, học lý thuyết và thực hành tại mô hình, đồng ruộng, nông dân nắm vững quy trình, kỹ thuật, thực hiện thành công các mô hình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Định Lê Thị Hiền ghi nhận: nông dân hào hứng tiếp thu, ứng dụng các giải pháp tiến bộ trong chăn nuôi, canh tác đồng ruộng, giảm phát thải ra môi trường; dần nhân rộng nuôi trùn quế, ứng dụng chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học, xử lý rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch.

Chú trọng tuyên truyền thực chứng thông qua các mô hình cụ thể, nông dân chủ động phân loại, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm; nắm vững, áp dụng quy trình xử lý chất thải bằng cách chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học, nuôi trùn quế, sâu can xi, xử lý rơm rạ thành phân, tăng độ phì cho đất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, Vũ Tiến Dũng trao đổi: dự án chuyển giao, góp phần nhân rộng quy trình sản xuất tuần hoàn, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân biến nguồn thải của quá trình sản xuất này thành đầu vào của một quá trình sản xuất khác.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát sinh 2.265 tấn đến 2.505 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, rác thải dễ phân hủy chiếm 60%, rác thải tái chế chiếm 7%, chất thải trơ chiếm 28%, chất thải nguy hại chiếm 1%, còn lại là chất thải khác chiếm 4%.

Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường ảnh 5

Thực hành xử lý rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng tỉnh Thanh Hóa.

Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các huyện triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện triển khai nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn, ủ rác thải hữu cơ làm phân bón.

Qua đánh giá, các mô hình phân loại rác, tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải có thể nhân rộng, gồm: mô hình tự làm men vi sinh, ủ rác thải thực phẩm làm phân bón tại huyện Yên Định; mô hình phân loại rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại các xã Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Định, Quảng Ngọc, Quảng Trung, huyện Quảng Xương.

Dù vậy, hoạt động phân loại rác mới thực hiện với nhóm rác thải có khả năng tái chế. Năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định chi tiết, đề cao trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành nhóm thông thường và nguy hại.

Chất thải thông thường tiếp tục phân thành nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng đốt cháy thu hồi năng lượng phục vụ xử lý.

Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường các biện pháp thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường ảnh 6

Người lao động phân loại, bốc rác lên ô-tô cho doanh nghiệp đem đi xử lý, tái chế.

Thanh Hóa khuyến khích thay thế công nghệ chôn lấp bằng công nghệ đốt và yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có phương án chuyển đổi các dự án chôn lấp sang công nghệ lò đốt; kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt trên cơ sở tận dụng tối đa các bãi chôn lấp đã được đầu tư; ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí xử lý rác theo đơn giá của tỉnh.

Đối tượng hỗ trợ là chủ đầu tư dự án xử lý chất thải từ nguồn vốn xã hội hóa (hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào) và các hộ gia đình không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (hỗ trợ chi phí xử lý rác thải). Từ năm 2020 đến hết năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ các huyện: Như Thanh 14.551 triệu đồng; Yên Định 18.574 triệu đồng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Khánh Toàn đánh giá: Chính sách hỗ trợ của tỉnh tạo cơ sở để các địa phương huy động nguồn lực, tạo thêm động lực thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

Tại huyện Yên Định, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải các năm gần đây đạt 92-93%, hằng năm đã thu gom, xử lý khoảng 31.000 tấn rác, đóng cửa các bãi chôn lấp tự phát, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.

Tại huyện Như Thanh tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải các năm gần đây đạt 88-90%, hằng năm đã thu gom, xử lý khoảng 11.000 tấn rác, xử lý triệt để bãi rác khu phố Hải Tiến trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh môi trường ở các huyện ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.