Thanh Hóa bình ổn thị trường, phòng, chống dịch Covid-19

NDO -

Ngày 1/3, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 493 người mắc Covid-19. Trong tỉnh hiện có hơn 5.600 người đang theo dõi, điều trị Covid-19.

Người dân Thanh Hóa xếp hàng mua thuốc, vật tư y tế.
Người dân Thanh Hóa xếp hàng mua thuốc, vật tư y tế.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, có một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng thuốc tân dược lợi dụng dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân tăng cao để găm hàng, tăng giá. Nhiều cửa hàng, các shop bán hàng online bày bán thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị Covid-19 “xách tay” nhập lậu, không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng, lưu hành.

Nhằm ổn định thị trường hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng, dầu, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh Covid-19, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý. Kịp thời nắm bắt thông tin, tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.

Thanh Hóa bình ổn thị trường, phòng chống dịch Covid-19 -0

Cây xăng ở phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa hoạt động bình thường.

Để bảo đảm cung ứng liên tục xăng, dầu cho người tiêu dùng trong thời gian trước mắt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đứt gãy nguồn cung, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá khả năng tiếp tục hoạt động của cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích áp dụng các giải pháp để cửa hàng xăng, dầu có thể tiếp tục hoạt động; không đồng ý dừng hoạt động vì nguyên nhân chủ quan hoặc vì những nguyên nhân có thể khắc phục.

Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu niêm yết, bán đúng giá, bán đúng thời gian đăng ký các sản phẩm xăng, dầu.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng giao Công an tỉnh tăng cường hoạt động điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không được phép lưu hành, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính trong tình huống dịch bệnh và thị trường khan hiếm.