Thanh Hóa có đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu gồm: Thái, Thổ, Mường, H’Mông, Dao, Khơ Mú sinh sống ở 174 xã, thị trấn, 1.548 thôn, bản, khu phố ở 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi.
Chú trọng giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thanh Hóa
Đồng hành tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư vào khu vực này; Hội Nông dân ở Thanh Hóa tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, nhân dân thi đua lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương tổ chức, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu nông dân các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa. |
Nổi bật các cấp hội nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường phối hợp với các ban ngành, đơn vị tạo thêm nguồn lực, hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa triển khai 20 dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương và của tỉnh nên có 148 lượt hộ được vay 9,6 tỷ đồng. Hội Nông dân các huyện miền núi vận động, xây dựng được 5 tỷ 693 triệu đồng Quỹ hỗ trợ cho hàng trăm lượt nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất. Hiện khu vực này có hơn 34 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 17 hộ sản xuất, kinh doanh đã khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh với các nông dân tiêu biểu vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa. |
Tham luận tại Hội nghị, đại diện các hộ nông dân thông tin thực tiễn du nhập, phát triển, áp dụng nông nghiệp hữu cơ, liên kết xây dựng vùng chuyên canh ổi, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện miền núi Thạch Thành. Mạnh dạn đầu tư xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình nuôi giun quế phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa đi đôi với bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ số giới thiệu sản phẩm, năng động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, sơ chế giun trùn quế khô cung cấp nguyên liệu cho các nhà thuốc đông y, các công ty dược ở miền bắc, gia tăng giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Hội viên nông dân dân tộc H'Mông, Thào A Thái ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát nỗ lực tự học chữ, năng động khai thác tiềm năng, lợi thế, đầu tư, nhân đàn gia súc có quy mô hơn 50 con trâu, bò, hỗ trợ con giống cho 6 hộ trong bản cùng tổ chức chăn nuôi gia súc, tạo thêm sinh kế, thu nhập, cùng nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Đại biểu nông dân dân tộc H'Mông, đến từ bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. |
Hội nghị biểu dương 338 nông dân tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Thanh Hóa. Đó là những tấm gương sáng, giàu nghị lực vượt khó, mạnh dạn chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; sản xuất, kinh doanh giỏi và luôn quan tâm trợ giúp nhau trong lao động, sinh hoạt hằng ngày, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo đi đôi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa.
Đại diện Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng lãnh đạo Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa tôn vinh, trao Chứng nhận cho nông dân dân tộc thiểu số tiêu biểu. |
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cùng Hội Nông dân, Ban Dân tộc tỉnh trao lưu niệm cùng Chứng nhận nông dân tiêu biểu khởi nghiệp, sáng tạo cho 50 nông dân, đại diện cho hàng trăm nông dân tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa năm 2024.