Thành công nhờ khởi nghiệp trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa

NDO - Nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà Trần Thị Liễu (xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã nghiên cứu để trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa. Sau hơn một năm thử nghiệm, thành quả mang lại hơn cả sự mong đợi, gia đình bà Liễu thu được lợi nhuận cao, bắt đầu tính đến việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. 
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ra mắt mô hình trồng dưa Kim Hồng Ngọc của bà Trần Thị Liễu.
Lễ ra mắt mô hình trồng dưa Kim Hồng Ngọc của bà Trần Thị Liễu.

Nói về dự án khởi nghiệp của mình, bà Liễu cho biết, bà vốn chỉ là nông dân, quanh năm với đồng ruộng. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của gia đình lên đến hàng héc-ta, nhưng chỉ dựa vào cây lúa thì cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả.

Với mong muốn đổi đời, một thời gian dài, bà trăn trở với câu hỏi: Trồng thêm cây gì trên đất lúa để tăng thêm thu nhập? Dựa vào kinh nghiệm của bản thân và tìm hiểu thị trường, bà và chồng quyết định cải tạo đất lúa để trồng dưa. Các loại dưa được lựa chọn để trồng thử là dưa lê, dưa Thái, Kim Hồng Ngọc…

Sau khi thử nghiệm và nghiên cứu thị trường, bà Liễu quyết định đầu tư trồng dưa Kim Hồng Ngọc vì loại này mới lạ, cho lợi nhuận cao và đầu ra ổn định hơn các loại dưa khác. Loại dưa này có hình dáng và màu sắc đẹp, tên gọi hay, dưa ăn giòn, ngọt, bảo quản lâu cho nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá bán hạt giống dưa Kim Hồng Ngọc tuy khá cao nhưng dễ ương và có năng suất tốt, nhẹ nhân công. Lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương cũng nhiều nên bảo đảm tiến độ trồng trọt và thu hoạch.

Thành công nhờ khởi nghiệp trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa ảnh 1

Gia đình bà Liễu chăm sóc cây dưa Kim Hồng Ngọc.

Trong suốt quá trình trồng dưa, vợ chồng bà Liễu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các biện pháp, kỹ thuật trồng, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên dùng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học ít gây hại cho môi trường. Bà Liễu cũng mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để được cung ứng hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra.

Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và làm việc không quản mệt nhọc, ngay vụ đầu tiên, gia đình bà liễu đã gặt hái được “trái ngọt”. Vụ dưa Tết Nguyên đán năm 2024, với 7ha dưa Kim Hồng Ngọc, gia đình bà Liễu thu về khoản lợi nhuận 380 triệu đồng. Năng suất dưa đạt khá cao, bình quân khoảng 2 tấn/công (1.000m2).

Vừa qua, gia đình bà cũng vừa thu hoạch dứt điểm vụ dưa Kim Hồng Ngọc thứ hai. Nếu vụ Tết bà Liễu trồng đồng loạt hết diện tích đất thì ở vụ rồi, bà chia ra xuống giống mỗi ngày vài công đất, bảo đảm thu hoạch 1 tấn/ngày. Vụ dưa vừa qua, gia đình bà cắt hơn 80 tấn, kéo dài trong vòng một tháng.

Bà Liễu chia sẻ, bình quân mỗi vụ dưa chỉ kéo dài khoảng 3 tháng tính từ khi làm đất, xuống giống cho đến lúc thu hoạch. Thời gian đó, ngoài lao động của gia đình, bà thuê khoảng thêm 10 đến 15 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 200.000 đến 250.000 đồng. Nhờ trồng dưa, một số hộ khó khăn quanh đây có được việc làm thường xuyên nên kinh gia đình ổn định hơn.

Thành công nhờ khởi nghiệp trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa ảnh 2

Những vụ dưa đầu tiên đã mang đến lợi nhuận cao cho gia đình bà Liễu.

Thấy mô hình đạt hiệu quả cao nên hiện nay, gia đình bà Liễu đã mạnh dạn đầu tư thêm 20 công đất để mở rộng sản xuất. Bà còn liên kết thêm nhiều hộ hội viên phụ nữ trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa đó để có nguồn dưa dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp chị em cùng nhau phát triển kinh tế.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Phú Đỗ Thị Hồng Tươi, mô hình trồng dưa Kim Hồng Ngọc của bà Trần Thị Liễu có triển vọng phát triển, nhân rộng. Vừa qua, bà Liễu đã mạnh dạn tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang tổ chức. Cuộc thi này sẽ là cơ hội giúp bà Liễu quảng bá mô hình, học tập thêm kinh nghiệm để phát triển mạnh mẽ hơn mô hình.

Nói về kế hoạch sắp tới của mình, bà Trần Thị Liễu chia sẻ: “Hiện nay, mặc dù thành công bước đầu, nhưng mô hình khởi nghiệp của tôi cũng đối mặt với không ít khó khăn. Không phải ai cũng biết đến loại sản phẩm này, dẫn đến hạn chế về tiêu thụ. Bản thân tôi cũng không biết nhiều về khoa học-kỹ thuật và cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Rất mong trong thời gian tới, tôi sẽ nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, chuyên gia… để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế bền vững”.