Khởi nghiệp từ trồng dưa lưới

Nhóm bảy người bạn cùng chung chí hướng đã từ bỏ công việc ổn định ở thành phố về quê làm nông nghiệp công nghệ cao. Trải qua những lần bị trì hoãn do thiên tai, vào cuối năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn  (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã được thành lập.

Anh Kiệt (bên trái) và cộng sự vui mừng với thành phẩm thu được.
Anh Kiệt (bên trái) và cộng sự vui mừng với thành phẩm thu được.

Bị phản đối vẫn làm

Năm 2020, anh Nguyễn Quang Anh Kiệt, Chủ tịch hội đồng thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao cùng sáu thành viên khác đã lên ý tưởng sản xuất nông sản sạch bằng mô hình công nghệ cao.

Được chính quyền huyện tạo điều kiện cấp cho 1,5 ha đất để nhóm khởi nghiệp với mong muốn đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng trong nước, anh Kiệt chia sẻ: “Trước khi thành lập HTX mỗi thành viên đều có công việc ổn định nhưng rồi cơ duyên đưa đẩy nên chúng tôi gặp nhau, thành lập nên HTX. Để có một HTX như bây giờ chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự phản đối của gia đình. Hiện tại, mỗi thành viên đảm nhận một công việc riêng. Người thì phụ trách mảng sản xuất cây trồng, người làm thị trường, người lo kế toán, quảng cáo… nhưng chúng tôi phối hợp làm việc rất ăn ý vì chung niềm đam mê, chí hướng”. 

Trải qua quá trình nghiên cứu và học hỏi, anh Kiệt và các thành viên trong nhóm đã mạnh dạn áp dụng các phương pháp trồng trọt tiên tiến, công nghệ cao để gieo trồng các loại giống cây phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Áp dụng công nghệ vào việc tưới, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, HTX canh tác một số loại rau thủy canh như xà lách, rau cần, rau cải và một số loại cây ăn trái khác như ổi ruby, bưởi, đặc biệt là dưa lưới, sản phẩm chủ lực và có nguồn ra ổn định nhất.

Thành quả ban đầu

Sau hơn một năm áp dụng mô hình công nghệ cao, dưa lưới trồng giá thể đã phần nào gặt hái được một số thành công nhất định, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Được biết, dưa lưới là loại cây “kén” trồng, đòi hỏi kinh nghiệm kỹ thuật rất cao từ khâu gieo trồng đến chăm sóc. 

Hiện tại, HTX đang trồng ba vụ mùa dưa lưới/năm và đang có kế hoạch tăng lên bốn vụ mùa/năm. Một vụ dưa lưới tại HTX thời gian dao động từ 65 đến 70 ngày, trung bình cho ra khoảng 700 kg dưa lưới sạch, trồng giá thể, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ ứng dụng công nghệ với hệ thống kiểm soát nhiệt độ, tưới tự động mà mỗi quả dưa lưới thành phẩm đạt từ 1,2-2 kg mỗi trái, tùy thuộc vào giống cây trồng. 

Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc tưới, chăm sóc cây, nhóm còn tự mày mò tự học rồi sản xuất phân bón. Anh Kiệt cho biết: “Phân vi sinh cũng do tự nhóm làm, học hỏi từ người này, người kia rồi nghiên cứu thêm. Được kiểm soát qua điện thoại thông minh, việc bón phân không chỉ giúp giảm đi lượng nhân công hiệu quả mà định lượng, thời gian biểu bón phân cho cây cũng kiểm soát được”. 

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn là đơn vị tiên phong trồng dưa lưới trên mảnh đất Quế Sơn, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhờ vào khí hậu đặc trưng của vùng trung du Quế Sơn, (nhiệt độ trung bình năm từ 27-28oC) đã làm nên sự khác biệt trong từng quả dưa lưới mang thương hiệu Tân Phong. “Một cây dưa lưới thường đậu rất nhiều quả nhưng chúng tôi chỉ giữ lại một quả tốt nhất để chăm sóc nhằm cho ra sản phẩm chất lượng tốt nhất có thể”, chị Diễm (thành viên HTX) cho biết thêm.

Được biết, trong thời gian sắp tới, HTX sẽ nghiên cứu và trồng thêm các loại quả sạch như cà chua, dưa leo, các loại cây trái mùa bằng áp dụng mô hình công nghệ cao. Với thành quả đó, anh Kiệt mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia hạn thêm thời gian thuê đất để có thêm cơ hội đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp mới, chất lượng và an toàn đến người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, không thu đất mà chỉ sắp xếp lại vùng cho khoa học, phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Trí Thanh đánh giá, các dự án này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa gắn với chế biến sâu, nguyên liệu an toàn. Bên cạnh đó, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các HTX và nông dân, nâng cao dần đời sống của người nông dân.