Trong đó, phải kể tới mô hình trồng dưa chuột sạch theo hướng VietGAP do Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thuận Thành thực hiện với diện tích 1,5 ha, trên đất cấy hai vụ lúa. Ban đầu, mô hình chỉ có hơn 20 hộ tham gia, tuy nhiên, thấy được hiệu quả của những lứa dưa chuột sạch đầu tiên, người dân đã mạnh dạn tham gia và mở rộng diện tích. Ðến nay, đã có năm trong số sáu thôn của xã trồng dưa chuột theo hướng VietGAP với diện tích lên tới 30 ha, năng suất bình quân hai đến ba tấn/sào, trừ chi phí, người dân thu được hơn 10 triệu đồng tiền lãi, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ðiều đáng ghi nhận là người dân ở xã An Bình đã nâng cao ý thức trong sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu dưa chuột sạch bằng việc hạn chế đến mức thấp nhất lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng duy nhất một lần vào thời điểm khi cây mới mọc được khoảng 20 ngày tuổi, tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, sản phẩm dưa chuột ở An Bình được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, một hộ trồng dưa chuột ở xã An Bình, trồng dưa chuột ít tốn công chăm sóc so với các loại cây trồng khác. Kỹ thuật trồng lại rất đơn giản, tuy nhiên, để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh thì đất phải tơi xốp. Tiếp đến, phải chọn mua hạt giống từ những nhà cung cấp có uy tín, bảo đảm tỷ lệ nảy mầm cao, cây phát triển khỏe mạnh.
Trước khi gieo hạt giống, người dân ở An Bình thường bỏ từ một đến 1,5 kg phân chuồng hoai mục và ít phân NPK xuống hốc. Sau đó, duy trì việc tưới nước cho dưa chuột mỗi ngày, nhất là vào những ngày trời nắng. Theo bà con, để dưa đạt năng suất cao, người trồng cần tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật như lựa chọn những chân ruộng có điều kiện chủ động về tưới tiêu, giữ nước vừa đủ, tránh úng gốc gây thối rễ, chết cây. Tiến hành tỉa lá đúng kỹ thuật, bắc giàn kịp thời khi dưa có tay leo. Cây dưa đã leo phải dùng dây mềm buộc thân vào giàn để hạn chế sâu bệnh. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch dưa chuột chỉ khoảng 50 ngày. Thời gian thu hoạch dưa kéo dài gần một tháng.