Vào tháng 6 âm lịch hằng năm, con nước nổi từ thượng nguồn sông Mê Công ào ạt đổ về vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long. Đó là dấu hiệu của một mùa nước nổi, hay còn gọi là mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con nước về mang theo phù sa và nhiều loại sản vật tự nhiên, nhất là cá, tôm, cua, ốc... Cũng từ đó, nhiều làng nghề lọp lưới ăn theo con nước cũng hình thành, phục vụ nhu cầu đánh bắt cá, cua của người làm nghề hạ bạc (nghề câu, chai, lưới, lọp), trong đó có nghề làm lọp bắt cua đồng. Thời cực thịnh, làng nghề có hơn 80 hộ làm ngày đêm mới đủ số lượng giao cho thương lái đem phân phối khắp các tỉnh trong vùng như: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và xuất qua Campuchia.
Nghề lọp làm theo thời vụ, bắt đầu từ tháng 2 làm lai rai cho đến khi con nước trên sông đổ về. Khi nước sông Hậu từ mầu xanh chuyển sang đỏ gạch là các thợ lại mừng thầm bởi nước lớn, cua nhiều, lọp bán đắt hàng. Ngược lại, những năm lũ ít, xuồng ghe làm nghề lọp lưới cũng lưa thưa, lọp cua của làng nghề Mỹ Đức làm ra không tiêu thụ được bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Khải, hơn 20 năm làm công cho các cơ sở lọp cua kể: Lọp cua vùng này nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp và bền. Để làm ra chiếc lọp tốt, người thợ làng nghề lọp cua Mỹ Đức phải dùng tre lồ ô từ vùng Tây Nguyên, còn tre vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm không đẹp bằng. Một cái lọp phải qua nhiều khâu nên mỗi cơ sở phải có ít nhất 5 lao động.
Đầu tiên, thợ chẻ lồ ô thành các thanh nan nhỏ, rồi vót các thanh nan, uốn, bện các cọng nan lại. Công đoạn cuối cùng, dân trong nghề gọi là “bung lọp”, ông Khải vung hai tay thành vòng tròn diễn giải. Bung lọp đòi hỏi thợ phải có sức khỏe và khéo léo nếu sức yếu rất khó làm, bị các thanh nan đâm chảy máu, trầy xước hoặc “ốp” không khéo làm gãy các thanh nan. Dẫu phải mất khá nhiều công sức, thời gian với nhiều công đoạn, nhưng những người thợ lành nghề như ông Khải cũng chỉ được nhận những đồng lương không nhiều. “Một ngày tôi được trả công vài chục nghìn đồng, lúc cao điểm, làm nhiều thì có thể kiếm được một, hai trăm trăm nghìn đồng, nhưng phải có tay nghề giỏi lắm”, người thợ có tuổi đời cao nhất làng nghề này quả quyết.
Nghề lọp cua Mỹ Đức là nghề cha truyền con nối. Anh Nguyễn Văn Hoàng, 34 tuổi, chủ một cơ sở làm lọp cua nơi đây nói rằng, từ khi còn bé, anh chị em trong gia đình đã biết tập đan lọp cua để phụ giúp cha mẹ. Dần dần, tất cả đều thạo nghề. Khi lớn lên, mỗi người lập ra một cơ sở làm lọp cua riêng, vừa có kế sinh nhai, vừa giữ được nghề truyền thống của gia đình, quê hương xứ sở. “Nghề làm lọp thấy dễ mà khó, khó mà dễ. Nó đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ làm ra chiếc lọp cua đẹp. Thợ nào làm nhanh nhưng ẩu thì các thanh nan bị xộc xệch, buộc kiền sợi dây gân không chặt làm nan bung ra bị mối lái chê, ảnh hưởng đến làng nghề. Vì thế, lọp của Mỹ Đức giá cao hơn các nơi khác từ 10.000 đồng/cái trở lên nhưng vẫn được ưa chuộng”, anh Hoàng chia sẻ.
Còn bà Phan Thị Thu, người có hơn 20 năm làm lọp cua nói rằng, những năm gần đây nước về muộn và mực nước thấp nên cua đồng ít, kéo theo lọp bán ế ẩm. Đó là chưa kể, một số cánh đồng có nước vào nhưng chỉ khoảng hai tháng, chủ ruộng tháo nước ra sớm để chuẩn bị trồng lúa nên ảnh hưởng đến sinh sản cua đồng. Bà Thu bộc bạch: “Những năm trước, từ tháng 5 là mối lái tới mua lọp mang đi, còn bây giờ lái mua trễ hơn vì còn canh theo con nước lên xuống thất thường. Năm nào nước lũ đẹp thì từ tháng 9 về sau, người bắt cua, lái đặt mua nhiều vì đây là thời điểm cua lớn, chân càng to nên thịt chắc, ngon”.
Cuối năm 2009, nghề đan lọp cua Mỹ Đức được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống. Hơn một thập niên phát triển, nghề này giúp rất nhiều người có việc làm thu nhập ổn định, khấm khá một thời. Thế nhưng, hiện nay, làng nghề có nguy cơ mai một khi cánh đồng lúa vụ 3 và những tuyến đê bao ngăn lũ trải dài tít tắp, ngư trường tự nhiên mùa nước nổi ít đi. Điều đó đồng nghĩa với việc những người làm nghề lọp, lưới mưu sinh trong mùa nước nổi cũng không còn nhiều, làng nghề lọp cua cũng vắng lặng theo. Sản lượng lọp cua cung ứng ra thì trường của mỗi hộ cũng giảm đi gần một nửa, từ 1.500 cái xuống còn 800 cái.
Dù làng nghề giảm hẳn số lượng nhưng thương hiệu làng lọp vẫn trong tâm trí của người bắt cua khi con nước nổi đổ về. Tuy buồn vì làng nghề vơi dần nhưng những người thợ ở làng nghề đan lọp cua Mỹ Đức tin rằng, còn con nước nổi thì người thợ vẫn còn làm và sống với nghề. Mỗi chiếc lọp làm ra đều chất chứa những nỗi niềm của người thợ như mong mỏi một mùa lũ đẹp cùng sản vật dồi dào giúp dân hạ bạc có thêm thu nhập.