Trăn trở chất men thuần Việt
Trong khi "Thiềm thừ Thiên phong ấn" được Kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là "Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất", nặng 1.500kg, dài hơn 1,7m, rộng 1,1m và cao 0,778m được chế tác suốt thời gian 6,5 tháng thì "Phú quý mãn đường" được ghi nhận với kỷ lục "Tác phẩm đĩa gốm chạm khắc lớn nhất". Chiếc đĩa nặng 400kg, đường kính 1,37m. Ðĩa có đắp nổi và chạm khắc cây tuyết tùng, đôi chim công, núi và mặt trời. Nghệ nhân mất khoảng 2.500 giờ lao động.
Nguyễn Hùng bén duyên nghề gốm khi làm việc tại một cơ sở gốm ở Hải Phòng từ những năm 1980. Nhờ đó, anh có cơ hội đi khảo sát, học hỏi về nghề ở khắp các làng nghề gốm trên cả nước. Sau những hành trình đầy mê say, chàng trai đất cảng quyết định dừng chân ở làng gốm Bát Tràng khi bị thu hút bởi kỹ thuật tinh xảo cùng vỉa tầng văn hóa sâu đậm của một làng nghề có bề dày truyền thống.
Những nghệ nhân Bát Tràng đều nhận định, điều đặc biệt trong câu chuyện về hai tác phẩm của Nguyễn Hùng không chỉ ở tính công phu về kỹ thuật, sự trải dài về thời gian, dồn nén về công sức mà dấu ấn quan trọng là đã đánh dấu sự hoàn thiện, thăng hoa trong kỹ thuật gốm.
Với men "hoàng thổ liên hoa", khi nung ở nhiệt độ rất cao chỉ dùng để nung sứ đã tạo hiệu ứng "hỏa biến", men tan chảy, hòa quyện với cốt gốm bên trong, cho ra sản phẩm cứng như thép, gõ vào kêu như chuông, hội tụ được cả phần "thanh" và "sắc" so với nguyên bản truyền thống.
Nghệ nhân đã sử dụng loại men có tên "Hoàng thổ liên hoa" do chính ông nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Riêng hành trình tìm mầu men cho gốm chứa đựng nhiều chi tiết ly kỳ, xúc động. Từ nhỏ đã mê mẩn vẻ đẹp thuần khiết của sen, khi trưởng thành, trải nghiệm nhiều loại men, ông Hùng cũng nhận thấy mình chưa thỏa lòng về mầu sắc có phần giản đơn, không tạo nên những biến tấu mới lạ, ông luôn ấp ủ ý tưởng muốn chế tác loại men cho ra sản phẩm sinh động như tranh vẽ.
Thế rồi, ý tưởng ùa đến trong khi ông ngẫm nghĩ về sen, cuối thu thấy thân sen già nua, tàn lụi rồi gục xuống. Nghệ nhân muốn "hồi sinh" vẻ đẹp mộc mạc đó theo một cách khác. Nguyễn Hùng phát hiện ra thân cây sen phù hợp để thay thế nguyên liệu vỏ trấu, yếu tố "mộc" trong bài "men tro" cổ truyền của ông cha. Ở bài men mới này, tro của thân sen được trộn với lớp đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo nên một dòng men mới đặt tên là "Hoàng thổ liên hoa". "Hoàng thổ" ở đây là lớp đất phù sa trầm tích sông Hồng còn "liên hoa" có nghĩa là hoa sen.
Với men "hoàng thổ liên hoa", khi nung ở nhiệt độ rất cao chỉ dùng để nung sứ đã tạo hiệu ứng "hỏa biến", men tan chảy, hòa quyện với cốt gốm bên trong, cho ra sản phẩm cứng như thép, gõ vào kêu như chuông, hội tụ được cả phần "thanh" và "sắc" so với nguyên bản truyền thống. Loại men này sẽ cho ra dải mầu rộng hơn từ sắc nâu đến nâu đỏ, đa dạng hơn so với mầu trắng ngà đơn thuần của men tro truyền thống.
Trong tác phẩm của mình, nghệ nhân rất chú ý chăm chút tới biểu tượng hoa sen. Số lượng bông sen mang nhiều dụng ý sâu sắc. Chín đóa sen hồng trong "Phú quý mãn đường" với nhiều sắc thái khác nhau từ lúc chúm chím nở thành nụ, cho tới những bông dần dần hé nở, nở rộ, buông tàn cho đến còn lại đài sen trơ trọi. Trong số chín bông, nếu ngắm kỹ còn thấy điểm phá cách khi để đóa sen lấn sang cả phần viền của chiếc đĩa. Hay như đôi chim công đắp nổi trên đĩa gốm, nếu dùng men bình thường chỉ có thể cho ra sắc xanh của men thủy tinh đồng, nhưng nhờ bài men đặc biệt mà có được gam mầu xanh ngũ sắc rất hiếm gặp trong gốm sứ.
Với kích thước lớn, những tác phẩm đều được tạo hình luôn trong lò để hạn chế sơ suất trong nhìn nhận khối và các sự cố xảy ra khi ở ngoài lò. Tuy nhiên, kích thước lớn cũng đòi hỏi kỹ thuật chế tác điêu luyện và không cho phép nghệ nhân mắc sai lầm.
Ðến bây giờ, nghệ nhân Nguyễn Hùng vẫn xúc động khi nhắc tới khoảnh khắc ông hé cửa lò, soi đèn pin vào bên trong để ngắm nghía, canh chừng tác phẩm còn chưa nguội. Thậm chí, vì quá hồi hộp, ông từng nghĩ đến việc dỡ lò để xem tác phẩm có bị nứt, bị lỗi không. Kiềm chế được sự sốt ruột ấy nhưng vẫn ăn không ngon, ngủ không yên.
Các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng nhận định, việc tạo hình và nung các tác phẩm dạng này đòi hỏi tay nghề rất cao. Sản phẩm kích thước nhỏ qua nhiệt thì không biến dạng, không loang mầu men, còn đây là tác phẩm rất lớn thì ngay cả những thợ vững nghề nhất cũng không nói trước được điều gì. Bản thân ông Hùng khi làm hai tác phẩm cũng đã nhiều lần thất bại. Quá trình thử nghiệm luôn có sai số và phải trả giá về thời gian, kinh phí cho điều đó.
Tác phẩm "Phú quý mãn đường" được công nhận Kỷ lục Guinness thế giới. |
Vượt qua chính mình mới là kỷ lục
Chia sẻ về Kỷ lục thế giới Guinness, nghệ nhân Nguyễn Hùng nhấn mạnh, nếu chỉ làm một lần mà được luôn thì thành tích đó không khiến mình rung động. Cảm giác trải qua thất bại, kiên trì bám trụ, chế tác và chờ đợi... cho tới khi thành công, cảm xúc mới thật sự vỡ òa. "Thật sự là tôi muốn khóc mà không khóc được.
Những ngày tháng kiên trì, cần mẫn dốc công sức, tiền bạc khiến tôi chỉ có thể lặng người đi thôi", ông Hùng chia sẻ, đồng thời khẳng định, khi cảm xúc trôi qua, ông vẫn nhận thấy rằng, hơn 40 năm trong nghề, sở hữu những kỷ lục được ghi nhận, song, kỷ lục lớn nhất ông có được đó là vượt qua chính mình. Ðiều khiến nhiều người tôn trọng ông, đó là tuy nhận được những lời chào mời, ngỏ ý, nhưng nghệ nhân không nghĩ đến chuyện bán các tác phẩm này. Ông nhấn mạnh, nếu đặt tính thương mại lên đầu chưa chắc dám làm. Mục đích quan trọng nhất của ông là muốn góp một tiếng nói khẳng định gốm Việt Nam đã được định vị trên bản đồ thế giới. Tiếp đó, ông muốn có sự lan tỏa giống như kích cầu, để những người thợ giỏi càng say mê làm thêm nhiều tác phẩm, để thế giới biết đến gốm Việt nhiều hơn.
Trước đó, tác phẩm của Nguyễn Hùng được trưng bày tại Bảo tàng tư nhân XQ ở Huế, được lưu giữ tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng thờ Phù Ðổng Thiên Vương ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Bảo tàng tinh hoa nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông là nghệ nhân "ngụ cư" hiếm hoi có sản phẩm được trưng bày trong bảo tàng này, bên cạnh sản phẩm của gần 20 dòng họ lâu đời làm gốm ở Bát Tràng.
Các sản phẩm gốm của ông thường được đắp nổi nhiều chữ Hán. Trong nhà ông có một tác phẩm tranh gốm khắc bài thơ chữ Hán "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt mà ông làm từ chữ viết của ông đồ nổi tiếng Cung Khắc Lược. Ðó chính là thầy dạy chữ Hán và thư pháp cho Nguyễn Hùng hàng chục năm qua. Bà Mai McMillan, đại diện Kỷ lục Guinness thế giới cho biết, thông qua những tác phẩm công phu và sáng tạo, có thể thấy được những nỗ lực tuyệt vời của nghệ nhân cũng như tính nghệ thuật của hai tác phẩm lớn đến thế nào. Những giá trị ấy sẽ góp phần nâng cao vị thế tinh hoa gốm Việt đối với bạn bè thế giới.
Hiện nay, ở làng nghề Bát Tràng, loại men "hỏa biến" đang được chế tác phổ biến. Có thể coi đây là tinh hoa của nghệ thuật làm gốm sứ với công thức được lưu truyền, sáng tạo nhiều đời nay. Như tên gọi, loại men này sẽ thay đổi mầu sắc tùy thuộc vào nhiệt độ nung. Nhờ sự tương tác hóa học mà tạo ra những mầu sắc ngẫu hứng trên các sản phẩm. Công đoạn là cả một nghệ thuật bởi không phải là mầu nhân tạo pha chế, cũng không có công thức cụ thể nào để tạo ra kết quả như ý muốn.
Trong sự ngẫu hứng, đòi hỏi tính tỉ mỉ, khéo léo ở việc điều chỉnh các yếu tố và nhiệt độ nung. Theo các nghệ nhân, nhờ tính chất đặc biệt ấy, rất khó tìm được hai sản phẩm gốm "hỏa biến" giống như nhau. Ðây chính là một trong những nét đặc trưng độc đáo khiến dân chơi gốm rất ưa chuộng và giúp con đường gốm Việt ra thế giới được rộng mở hơn. Với các nghệ nhân yêu nghề, "tiếng nói" của gốm cũng chính là ngôn ngữ của văn hóa, lịch sử dân tộc, như mạch nguồn kết nối xưa và nay thông qua những trải nghiệm đầy ý nghĩa, sâu sắc ■