Gốm men ngọc đã hồi sinh

NDO -

NDĐT- Chẵn 50 chiếc bình gốm celadon – dòng men ngọc thời Lý từng thất truyền đã được tái sinh. Những hình họa được thể hiện như một ý niệm trong series tranh panorama của họa sỹ Lê Thiết Cương đã truyền cảm hứng cho nghệ nhân Nguyễn Việt làm nên những họa tiết tương đồng bằng kỹ thuật khắc chìm cổ xưa, để sáng tạo nên một thứ vân gốm “độc nhất vô nhị”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương tại buổi khai mạc triển lãm Hà Nội mùa thu
Họa sĩ Lê Thiết Cương tại buổi khai mạc triển lãm Hà Nội mùa thu

Chuyện về một dòng men quý   

Lần tìm trên website Cổ học tinh hoa, ta được biết: “Gốm men ngọc, hay còn gọi là gốm celadon là loại gốm men màu xanh lục - một trong những loại gốm sớm nhất của Trung Quốc mở đường tới Đông Nam Á.

Gốm celadon được ưa chuộng bởi người ta tin rằng chúng có nhiều phẩm chất kỳ diệu, thí dụ như khả năng điểm chỉ thực phẩm bị nhiễm độc chất. Để có được mầu xanh lục của gốm celadon, men gốm được chế tạo từ tro thực vật trộn với đất sét cùng với 2-5% chất sắt phụ gia, rồi nung trong điều kiện giảm thiểu dưỡng khí.

Sản phẩm hình thành nhờ người thợ gốm đóng các cửa thông gió của lò nung để giữ ổn định nhiệt độ trong lò, điều này được quyết định bằng cách quan sát độ cháy đỏ trong lò nung thông qua một lỗ quan sát (nếu nung quá độ, chất men sẽ giữ mầu trắng nguyên thủy của nó). Mầu sắc được tạo ra sẽ biến thiên từ mầu tái nhợt, hầu hết là lục nhạt tới lục sáng của trái táo, trong khi điểm tới hạn của chất men dao động từ đục mờ sang lấp lánh như thủy tinh”. 

Celadon là dạng phổ biến nhất trong số các loại đồ sứ cổ điển Trung Hoa. Tông mầu men xanh lá cây đặc trưng của celadon có được là do sự hiện diện của sắt trong đất sét. Được gọi đơn giản là “đồ gốm mầu xanh lá” khi xuất hiện lần đầu tiên dưới thời Đông Hán (sau 206 B.C), phải chờ tới triều đại nhà Đường (619 A.D. – 960 A.D.), nghệ thuật chế tạo celadon mới đạt đến trình độ thuần thục.

 “Crackleware” hay “đồ gốm men rạn” cũng là một loại gốm celadon. Nó có tên như thế là vì những đường rạn tinh tế ngay nằm trên bề mặt lớp men. Đặc tính này là kết quả của quá trình nung mà lớp men phủ co ngót nhiều và nhanh hơn cốt thân đồ gốm.

Những người thợ gốm triều đại nhà Tống đã rất khôn ngoan khi vận dụng hoa văn rạn nứt này tạo nên hiệu quả trang trí. Đó là lý do tại sao một nhãn hiệu gốm sứ sản sinh trong thời kỳ Trung Hoa cổ trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.

Và dòng gốm celadon Đông Thanh tưởng đã thất truyền

Rồi, dòng gốm celadon du nhập vào Việt Nam.

Theo nghệ nhân Nguyễn Việt, lâu nay, rất hiếm người được biết đến dòng gốm men ngọc thời Lý (thế kỷ IX – XII) vô giá đã từng vắng bóng và được các tay buôn đồ cổ quen gọi là celadon Đông Thanh này.

Nếu có biết cũng chỉ được chiêm ngưỡng  qua một vài cổ vật lẻ tẻ. Người muốn có cơ may được ngắm nhìn trọn bộ sưu tập đồ cổ celadon Đông Thanh phải sang tận Bảo tàng Bruxelles (Bỉ). Một tay buôn đồ cổ người Bỉ ở Sài Gòn đã mua lại được từ bộ sưu tập hoàn hảo này từ tay những người Pháp cai trị nước ta, khi họ “vớ” được món đồ “béo bở” ở địa phận Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong quá trình làm đường sắt Bắc- Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX.

Dòng thời gian chảy trôi đã gần một thiên niên kỷ, dòng men giá trị, cao cấp và đẳng cấp trong các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng tưởng như đã vĩnh viễn đi vào dĩ vãng.

Người giúp gốm men ngọc hồi sinh

Nguyễn Việt có ba niềm đam mê. Và ông chia quỹ thời gian 75 năm đời mình thành ba phần rất đều nhau dành cho múa – gốm và khảo cổ.

Từng là biên đạo múa nổi tiếng với khá nhiều vở ba – lê đình đám, ông cũng là người rất nặng lòng gìn giữ những nét đẹp tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc.

Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 1

Nghệ nhân Nguyễn Việt

Bỏ mấy chục năm dài tìm tòi nghiên cứu, đến năm 1991, Nguyễn Việt đã thành công với đề tài men Lý - Trần. Sau cuộc triển lãm tại Giảng Võ (tháng 4 năm 1991), ông quyết tâm dành tâm sức khảo cứu những giá trị văn hóa dân tộc mình đã bị “lưu lạc” sang trời Tây.

Men ngọc celadon, với sắc xanh kỳ ảo có sức hấp dẫn khó cưỡng với những người yêu gốm. Sắc độ trong suốt, cảm giác mềm mại, độ “chảy” mầu tinh tế, vẻ đẹp có phần mong manh ấy cũng là thách thức rất lớn với nghệ nhân làm gốm. Chưa kể khi ra lò, men hay bị co.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, “để khắc phục nhược điểm này, không ít lò gốm đã sử dụng hóa chất nhưng Nguyễn Việt thì không. Ông kiên quyết dùng 100% nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Để làm sống lại mầu men làm say lòng người này, ông đã kỳ công thử nghiệm rất nhiều lần, chấp nhận bỏ đi hàng chục mẻ gốm hỏng để cuối cùng có thể tìm ra được một công thức chuẩn”. 

Cũng theo lời nghệ nhân gốm chia sẻ: “Men ngọc có nhiều lối thể hiện. Với lối hội họa kiểu tối giản, ta có thể khắc chìm như cách thức cha ông ta đã từng làm trong bộ sưu tập celadon Đông Thanh nhà Lý ở Bảo tàng Bruxelles như con chim chân cao, mỏ dài trên chiếchũ đựng cốt, như trên chiếc Thạp Đào Thịnh trong nền văn minh kì vĩ Văn Lang…” Sau khi trở về nước ông nung nấu một ý tưởng sáng tạo một dòng men mang truyền thống dân gian dân tộc…

Ý tưởng đưa tranh của Lê Thiết Cương lên bình lọ gốm celadon cũng đến với Nguyễn Việt rất tình cờ.  Bộ tranh panorama (kích thước 0,5m x 1,5m) mà họa sĩ vừa triển lãm tại tư gia cách đây ít tháng được thể hiện theo lối tối giản, nghiêng về bảng màu “nhã”. Và những chiếc bình men rạn, mầu men óng ả,  trong suốt ánh lên như khối ngọc đã chuyên chở trên mình những tác phẩm hội họa ấn tượng của Lê Thiết Cương - như một thứ vân gốm riêng có, đẹp đến sững sờ.

Từ sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ, mối duyên tranh – gốm độc đáo ấy đã đến với công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô, trong Triển lãm Hà Nội mùa thu tổ chức tại Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư) đồng thời cũng là tư gia của người họa sĩ tài danh từ ngày 28-9 đến hết ngày 8-10-2013.

Một số tác phẩm gốm được trưng bày trong triển lãm

Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 2
Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 3
Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 4
Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 5
Gốm men ngọc đã hồi sinh ảnh 6