Gốm có men áo như Bát Tràng, Chu Đậu, v.v, hay men lẫn trong xương đất để khi qua lửa tự nó ứa ra ngoài như gốm Hương Canh, gốm Cậy đã là những loại gốm được khẳng định giá trị. Gốm có men của Bát Tràng - ngoại ô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội có tuổi hơn 1000 năm như biểu tượng, như cái nôi của gốm Việt, góp phần cùng các dòng gốm khác làm nên “một truyền thống gốm riêng biệt”, không Nhật, không Hoa. Bản đồ gốm thế giới không thể không có gốm Việt. Cùng với Bát Tràng, Chu Đậu (Hải Dương) cũng là một vùng gốm nổi tiếng thế kỷ 15, 16, 17, gốm Chu Đậu đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Có thể tìm thấy gốm Bát Tràng và Chu Đậu ở nhiều bảo tàng trên thế giới như: Bảo tàng Anh, Bảo tàng Guimet (Paris), Bảo tàng Metropolitan (New York), Bảo tàng Idemitsu (Tokyo), Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)... Nhưng đồ đất nung, một loại gốm không men có vẻ ít được chú ý mặc dù lịch sử của loại gốm này đã trải từ Lý, Trần, Lê (hoặc sớm hơn từ thời Đại La). Các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô cùng nhiều các chi tiết kiến trúc, chi tiết trang trí bằng chất liệu đất nung trong khu Hoàng thành Thăng Long như gạch, ngói ống khắc hình rồng và hoa sen, chim thần, đầu rồng, đầu phượng, uyên ương, lá đề lưỡng long, miệng giếng... Nhất dáng, nhì men, thứ ba mới đến họa tiết. Cởi bỏ ra, không cần diện cái áo men mà vẫn hấp dẫn kể cũng lạ, cũng dũng cảm, cũng rất tự tin vào vẻ đẹp tự thân của mình. Không bắt mắt ngay nhưng nó sẽ níu kéo ta bằng sự chất phác, nguyên sơ, mộc mạc, thô nhám.
Bên cạnh gốm hoa nâu men áo mầu gạo nếp, đồ đất nung Lý, Trần là dẫn chứng rõ nhất để hình thành câu hỏi khó: Tại sao sau một ngàn năm Bắc thuộc, nghệ thuật Việt lại phát triển rực rỡ ngay và quan trọng là nó không những không bị Hán hóa mà ngược lại nghệ thuật Việt giai đoạn này lại tiếp nhận nhiều yếu tố của những người hàng xóm phương Nam hơn phương Bắc?
Người Việt là gốc Nam Đảo, cho nên Nam sẽ gần gũi, thân quen dễ tiếp nhận hơn Bắc. Nghệ thuật Việt từ gốm đến điêu khắc có nhiều yếu tố của nghệ thuật thổ dân của các đảo ở châu Úc và châu Đại Dương đến vùng Đông - Nam Á. Cái chất biển mạnh khỏe của nghệ thuật Việt mới đủ sức đi qua một nghìn năm Bắc thuộc và nghệ thuật Việt không những không mất đi mà lại còn nhận thêm được vài điều hay của Hán cho mình. Gốm không men của người Việt là một minh chứng hay của cái chất Nam - Bắc, Bắc - Nam ấy.
Tháp Bình Sơn (hay còn gọi là Tháp Vĩnh Khánh, tỉnh Vĩnh Phúc) là tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến nay.