Chia sẻ với phóng viên báo chí tại họp báo sáng 5/4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Tháng Công nhân năm 2023 đúng vào dịp đại hội công đoàn các cấp diễn ra. Bên cạnh đó, sau nhiều năm dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của gần một triệu công nhân, lao động. Nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, khiến nhiều công nhân bị mất việc làm, rời bỏ quan hệ lao động.
Theo đồng chí, việc đoàn viên công nhân rời bỏ quan hệ lao động, đồng nghĩa với việc họ rời bỏ tổ chức công đoàn. Với trách nhiệm là tổ chức đại diện của người lao động, công đoàn các cấp cần tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm cho người lao động. Khi người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, họ sẽ quay trở lại kết nối với tổ chức, cùng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Do vậy, các hoạt động trong Tháng Công nhân 2023 đều hướng tới việc cảm ơn người lao động cả về vật chất, tinh thần, giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu thông tin thêm: Một điểm mới trong Tháng Công nhân 2023 là sẽ không có Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động như hằng năm mà Thủ tướng sẽ gặp gỡ, đối thoại với các đại biểu tham gia Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2023.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn chỉ đạo Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đại biểu Quốc hội với đoàn viên, người lao động. Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thăm, gặp gỡ, động viên và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người trực tiếp sản xuất, kiến tạo giá trị cho xã hội để truyền tải tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân, lao động trên diễn đàn Quốc hội.
Tại các đại hội công đoàn cơ sở tổ chức trong tháng 5 sẽ lồng ghép các hoạt động cảm ơn người lao động, doanh nghiệp vì người lao động để đại hội công đoàn gần gũi, thiết thực hơn với đoàn viên, người lao động.
Theo Kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn tiến hành đồng loạt 5 hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đó là chương trình "Đối thoại tháng 5", bao gồm Diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động"; Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; tổ chức chương trình "Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên"; hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức đại hội công đoàn các cấp; Tổ chức chiến dịch truyền thông về 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2023).
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động", kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc; nhất là, quan tâm tham gia giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Phối hợp tổ chức các "Phiên chợ công nhân", "Tuần lễ bán hàng giảm giá cho người lao động", "Ngày hội văn hóa thể thao công nhân", "Ngày hội chăm sóc sức khỏe"; tổ chức các chương trình du lịch, nghỉ mát cho công nhân...
Công đoàn cơ sở đăng ký và triển khai có hiệu quả ít nhất một việc làm cụ thể chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, đồng thời đưa nội dung này vào chấm điểm thi đua cuối năm của các cấp công đoàn. Khuyến khích công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động "Kết nối trái tim", tạo điều kiện để công nhân tìm hiểu, kết đôi, xây dựng hạnh phúc gia đình; triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ con công nhân.