Thái Nguyên: Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên sụt giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao

NDO - Chiều 4/10, tại thành phố Thái Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị do đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu... tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

“Là đất nước kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhìn nhận.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến 29/9, tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Mặc dù vậy tín dụng vẫn còn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân “rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp”.

Thái Nguyên: Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên sụt giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ảnh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 của tỉnh là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 của tỉnh là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Báo cáo rõ hơn về tình hình tín dụng trên địa bàn Thái Nguyên của một số ngành có xu hướng giảm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô-tô, ô-tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.

Nhưng bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Xuân Bắc, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.

Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn cũng đạt kết quả khả quan như cho vay chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 626 tỷ đồng cho 57 lượt khách hàng.

Với tinh thần cùng đồng hành chia sẻ, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn để cùng phân tích các nguyên nhân tiếp cận tín dụng còn gặp những khó khăn cũng như tìm ra những giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Thái Nguyên: Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên sụt giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Theo đó, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng.

Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà

Từ tình hình thực tế nêu trên, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể: tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.

Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các động lực tăng trưởng; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ…

“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.