Đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,56%

NDO - Ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Tôi hy vọng rằng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Ủy ban nhân dân cùng các sở, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế;…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nêu rõ: Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các tổ chức tín dụng cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống. Đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ,...

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng: 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.