Là doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 10 đến 15%, thời gian qua, Tập đoàn Nagakawa đã được ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ giảm lãi suất theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa chia sẻ, việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm cũng gây khó cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cuối năm. Lãi suất thực tế dù đã giảm, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội Lê Vĩnh Sơn phản ánh: "Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với một khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt thường mất từ một đến ba tháng, còn với khoản vay trung hạn, dài hạn thì mất khoảng ba tháng, có những khoản mất tới sáu tháng hoặc dài hơn".
Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân thì cho biết: "Tình trạng khó tiếp cận vốn vay chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về tài chính. Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lớn, mạnh được thụ hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít được tiếp cận hoặc bị yêu cầu nhiều thủ tục, hồ sơ hơn".
Trước tình hình doanh nghiệp vẫn "khát vốn" như hiện nay, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, các ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình phê duyệt và gắn KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động), bao gồm thời gian xử lý hồ sơ của từng bộ phận chuyên môn để rút ngắn thời gian phê duyệt với tất cả các khoản vay.
Đồng thời giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm (nếu có) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường, có thời gian thu xếp nguồn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Các ngân hàng cần chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
"Cần sớm sửa các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ doanh nghiệp. Trên thực tế, điều kiện cho vay của nhiều quỹ còn khắt khe ở cả ngân hàng thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó, phía ngân hàng hãy cùng đồng hành để hiểu doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có các điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt thì hãy cho vay tín chấp, đừng quá đòi hỏi tài sản bảo đảm vì thật sự hiện tại doanh nghiệp không có để mà cầm cố vay vốn", bà Trịnh Thị Ngân kiến nghị.
Chia sẻ tình hình khó khăn chung với doanh nghiệp, phía các ngân hàng cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng nêu thực tế: "Hiện nay ngân hàng đang đau đầu tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế. Thế nhưng, phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn. Có những doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối cho vay do phương án kinh doanh không tốt, tài chính không minh bạch, vì nếu cho vay, không chỉ ngân hàng gặp rủi ro, mà còn chính doanh nghiệp cũng thiệt hại. Do đó, doanh nghiệp cần có những giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín và lòng tin đối với ngân hàng, để hai bên cùng nhau hỗ trợ và phát triển".
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc tháo gỡ vốn, cung cấp nguồn tài chính cho doanh nghiệp phát triển, qua đó, đóng góp vào phát triển chung của Thủ đô là rất quan trọng. Thành phố mong ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm để doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn khi doanh nghiệp còn khả năng hấp thụ; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất. Thành phố sẽ luôn đồng hành, nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.