Bắc Ninh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng

NDO - Chiều 28/9, tại thành phố Bắc Ninh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nêu rõ: Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn với những diễn biến nhanh, phức tạp, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô tiền tệ của thế giới và trong nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%.

“Lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề đang được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18%, nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

Bắc Ninh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ảnh 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà.

Đồng thời, ông Phạm Thanh Hà cũng bày tỏ hy vọng tại Hội nghị: Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, cùng với các sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Về tình hình tiếp cận tín dụng trên địa bàn, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết thêm: Đến hết ngày 31/8, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt hơn 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc là 5,56%). Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.

Một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được các tổ chức tín dụng tập trung cung ứng tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng là 3.193 tỷ đồng.

Bắc Ninh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ảnh 3

Ông Nguyễn Xuân Bắc báo cáo tại Hội nghị.

Tuy nhiên, dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể: tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…