Định Hóa là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông - lâm nghiệp. Trước đây, bà con thường thả rông gia súc trong mùa đông dẫn đến nhiều gia súc chết đói, rét. Do đó, những năm gần đây, với sự quyết liệt chỉ đạo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức chống đói, rét cho gia súc của đồng bào được nâng lên rõ rệt.
Gia đình bà Lộc Thị Thủy, xóm Cấm, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa có hai con trâu, ngay từ giữa tháng 11- 2020 bà Thủy đã tích trữ lượng lớn rơm khô làm thức ăn thô và tinh bột làm thức ăn tinh cho trâu. Những ngày gần đây, khi xuất hiện rét đậm, rét hại, bà Thủy sử dụng bạt quây kín chuồng nuôi tránh gió lùa, sương muối và thường xuyên vệ sinh nền chuồng khô ráo, đốt củi tạo nguồn nhiệt giữ ấm cho hai con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình.
Gần hai tuần trước, gia đình ông Mạc Văn Tuyên, ở xóm Gốc Hồng, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa đã gia cố, che chắn chuồng trại để chống rét cho đàn bò tám con của gia đình. Ông Tuyên chia sẻ: “Mùa đông năm trước, gia đình tôi chăn thả ngoài đồng, trên đồi kể cả trong những ngày mưa rét nên đàn bò còi cọc, chậm lớn, bò già và bê bị chết rét. Rút kinh nghiệm, mùa đông năm nay, mình hạn chế tối đa chăn thả, đặc biệt là những ngày thời tiết rét đậm, rét hại thì chuyển sang nuôi nhốt, che chắn chuồng trại bằng bạt và tấm pro-xi-măng, chuẩn bị gần hai sào cỏ voi và dự trữ rơm làm thức ăn cho đàn bò trong mùa đông”.
Cùng tổ công tác của huyện Định Hóa đi kiểm tra, đôn đốc nông dân phòng, chống đói rét cho gia súc ở một số địa phương trên địa bàn, chúng tôi thấy hầu hết các hộ nông dân đã thực hiện các biện pháp chống đói, rét cho gia súc ngay từ đầu mùa đông. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa Triệu Xuân Việt cho biết: “Trước đây bà con trên địa bàn thường chăn thả tự do dẫn đến trâu, bò chết rét. Những năm gần đây, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, người dân thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán chăn nuôi nên trong mùa đông, đàn gia súc được bảo vệ tốt”.
Huyện Định Hóa có khoảng 7.400 con trâu, bò, mùa đông thường xảy ra rét đậm, rét hại, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên gia súc, gia cầm. Do vậy, UBND huyện Định Hóa đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, giám sát chặt chẽ dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc.
Khi tổ công tác kiểm tra chống rét cho gia súc của Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đến huyện Phú Lương, thấy các cơ quan chức năng của huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, nhất là nông dân chống rét cho gia súc với tinh thần chủ động. Đến gia đình ông Hoàng Mạnh Công ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt thấy chuồng nuôi ba con bò được quây kín, nền chuồng khô ráo. Ông Công cho biết: “Gia đình trồng bảy sào cỏ Vie-06, 50 khóm chuối, hai sào ngô. Ba loại cây này được băm nhỏ, trộn với cám ủ chua, hằng ngày cho bò ăn no, uống đủ nước nên bò vẫn sinh trưởng, phát triển trong mùa đông”.
Với gần 700 con trâu, bò, vài năm gần đây nông dân xã Động Đạt gần như không sử dụng làm sức kéo mà chủ yếu chăn nuôi để phát triển kinh tế. Cán bộ nông nghiệp xã, anh Đàm Xuân Đăng cho biết: “Hệ thống truyền thanh đã đến tất cả 20 xóm trong xã, những ngày gần đây cấp ủy, chính quyền xã liên tục chỉ đạo truyền thanh vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đồng thời cử cán bộ chuyên môn xuống các xóm đôn đốc nông dân chống đói, rét cho gia súc. Nhiều năm qua xã Động Đạt không có gia súc chết rét”.
Để bảo vệ đàn gia súc với số lượng hơn 92 nghìn con, thời gian vừa qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chống đói, rét cho gia súc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt, ý thức của nông dân về chống đói, rét cho gia súc những năm gần đây có chuyển biến tích cực bằng việc che chắn chuồng trại, chủ động chuẩn bị thức ăn dự trữ nên gần như không có trâu, bò bị chết rét.
Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Quỳnh Hương cho biết: “Mặc dù ý thức chống đói, rét của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhưng rét đậm, rét hại năm nay có khả năng kéo dài, diễn biến phức tạp nên trong những ngày này chúng tôi cử các tổ công tác về các địa phương, nhất là các huyện miền núi, vùng cao kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chống đói, rét; giám sát chặt chẽ dịch bệnh để bảo vệ đàn gia súc, kiên quyết không để gia súc chết đói, chết rét do chủ quan của các cấp chính quyền và nông dân”.