Là một tỉnh công nghiệp, nhưng những năm vừa qua Thái Nguyên chú trọng, có nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, chế biến nông sản để giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân; đến nay, đã tạo ra nhiều loại nông sản phong phú, có giá trị kinh tế.
Sản phẩm nông nghiệp phong phú
Phó Chánh văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: "Tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có hai sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Ðây là những sản phẩm có chất lượng, đặc thù, có vùng nguyên liệu, được sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin cậy".
Bên cạnh cây chè được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh với diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước, hằng năm mang lại trị giá khoảng 0,5 tỷ USD, được mệnh danh là "Ðệ nhất danh trà", Thái Nguyên còn có nhiều sản phẩm đặc thù khác của các địa phương. Ðiển hình là gà đồi Phú Bình, vật nuôi chủ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồi núi trập trùng được thả dưới tán rừng với số lượng duy trì khoảng bốn triệu con. Gà được sản xuất với giống tốt, nuôi thả đồi, sử dụng nhiều thức ăn truyền thống cho nên thịt chắc, thơm, giàu dinh dưỡng, trọng lượng bình quân 2,5kg/con, được người tiêu dùng ưa thích, giá trị mang lại chiếm hơn 60% ngành chăn nuôi của huyện Phú Bình.
Các địa phương trong tỉnh đã biết phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu để sản xuất ra nhiều loại nông sản đặc thù, như nếp Thầu Dầu, nếp Vải. Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, có thương hiệu, đặc sản như na, bưởi, gạo nếp, gạo bao thai, quế; các loại nông sản được chế biến được người tiêu dùng ưa chuộng như miến dong Việt Cường, cao ngựa bạch, tương Úc Kỳ.
Nét mới trong giới thiệu, tiêu thụ nông sản
Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên và nhiều huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động có tính lan tỏa để quảng bá, giới thiệu, kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, siêu thị, người tiêu dùng để tăng cường tiêu thụ nông sản.
Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan cho biết: "Cùng với nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá từ đầu năm, cuối tháng 11/2023 huyện phối hợp với Sở Công thương tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023. Với gần 40 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nhất là có sự tham gia của 35 tiktoker, hợp tác xã tham gia livestream trên các nền tảng mạng xã hội các loại nông sản của địa phương, trong đó gà đồi Phú Bình thu hút gần 12 triệu lượt xem và hơn 300 đơn đặt hàng trực tuyến".
Thời gian vừa qua, nhất là sau dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hội chợ, chương trình quảng bá, giới thiệu, mời gọi đầu tư, tiêu thụ nông sản cấp tỉnh, cấp huyện. Theo Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính, nét mới trong các hoạt động này là đã sử dụng thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nhằm tiêu thụ mạnh các loại nông sản của địa phương. Do đó, năm 2023 giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với năm 2022, giá trị thu được đối với một ha đất trồng trọt đạt gần 129 triệu đồng, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,35% số hộ.