Thái Nguyên tăng cường quản lý giá cước vận tải hành khách

NDO - Là đầu mối giao thông ở khu vực trung du miền núi phía bắc và là trung tâm y tế, giáo dục với nhiều khu, cụm công nghiệp, nên nhu cầu đi và đến tỉnh Thái Nguyên và đi lại trong tỉnh khá lớn. Để bảo vệ quyền lợi của hành khách, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp quản lý giá cước vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm các huyện đã có vận tải hành khách bằng xe buýt.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm các huyện đã có vận tải hành khách bằng xe buýt.

Là doanh nghiệp vận tải hành khách lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan có lượng xe chất lượng cao, xe hợp đồng chạy tuyến Thái Nguyên-Hà Nội, Thái Nguyên-Bắc Kạn và ngược lại với số lượng lớn nhất, khi giá dầu ở mức đỉnh điểm là hơn 29 nghìn đồng/lít, giá vé là 160 nghìn đồng/hành khách.

Từ giữa tháng 8/2022 đến nay, giá dầu giảm còn gần 23 nghìn đồng/lít, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan đã giảm giá vé đối với 2 tuyến Thái Nguyên-Hà Nội, Thái Nguyên-Bắc Kạn và ngược lại còn 140 nghìn đồng/hành khách. Mức giá này được coi là khá hợp lý.

Tuy nhiên, cùng chạy tuyến tương tự, nhiều hãng xe chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giảm giá vé chưa tương ứng với mức giảm giá xăng dầu.

Cụ thể, thời điểm giá xăng dầu ở mức cao nhất, hãng xe Hoa Mai chạy tuyến Thái Nguyên-Hà Nội và ngược lại thu 160 nghìn đồng/hành khách, nhưng đến nay, giá xăng dầu giảm nhiều lần liên tiếp mà vẫn thu 150 nghìn đồng/hành khách.

Trước tình hình đó, Sở Tài chính Thái Nguyên có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát kê khai giá dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh. Trong đó văn bản nêu rõ, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vận tải liên tục điều chỉnh tăng giá vé khi giá xăng dầu tăng, nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá vé khi giá xăng dầu giảm.

Tránh tình trạng giá xăng dầu giảm mà giá vé không giảm tương ứng, hoặc cố tình tính thêm các khoản chi phí đầu vào để giữ giá vé ở mức cao bất hợp lý, Sở Tài chính Thái Nguyên đề nghị Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc kê khai giá cước của doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe ô-tô, vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định, taxi để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi liên tiếp ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô-tô trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá, điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố giá thành, thực hiện kê khai giảm giá cước kịp thời và niêm yết giá công khai”.

Đồng thời, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá vé đối với 12 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô-tô, qua đó, phát hiện một số doanh nghiệp chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước khi các điều kiện, yếu tố đầu vào, nhất là xăng dầu giảm giá và yêu cầu 10 doanh nghiệp thường xuyên rà soát các yếu tố đầu vào để kịp thời điều chỉnh giá vé phù hợp.

Để răn đe, Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt Hợp tác xã vận tải Chùa Hang số tiền 7 triệu đồng vì không thực hiện niêm yết giá cước đối với 2 ô-tô chạy tuyến cố định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 400 ô-tô của 20 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, 1.800 taxi của 30 doanh nghiệp, 160 ô-tô buýt của 5 doanh nghiệp và 700 ô-tô hợp đồng.

Đây là số lượng ô-tô vận tải hành khách khá lớn, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần thẩm định việc tính các khoản chi phí đầu vào một cách chính xác, khách quan, nhất là yếu tố đầu vào chiếm tỷ trọng 30-40% là xăng dầu; ngăn chặn việc tính thêm các khoản chi phí đầu vào không đúng quy định để bảo vệ quyền lợi hành khách.