Vì sao giá cước vận tải chưa giảm?

Dù giá xăng, dầu đã có phiên điều chỉnh giảm lần thứ tư liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn chưa ghi nhận mức giảm tương ứng. Độ trễ trong việc điều chỉnh cước vận tải đến từ những nguyên nhân nào?
0:00 / 0:00
0:00
Giá cước vận tải vẫn chưa giảm như kỳ vọng của ngành giao thông và người tiêu dùng.
Giá cước vận tải vẫn chưa giảm như kỳ vọng của ngành giao thông và người tiêu dùng.

Chưa tăng nên chưa giảm

Trong kỳ điều chỉnh ngày 1/8, giá xăng, dầu đã ghi nhận lần giảm thứ tư liên tiếp. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm thêm 450 đồng về giá 24.620 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 470 đồng về giá 25.600 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá, như: Dầu diesel giảm 950 đồng về mức giá 23.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 710 đồng về mức giá mới là 24.530 đồng/lít.

Chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành vận tải, việc xăng, dầu liên tục điều chỉnh giảm là tiền đề để các doanh nghiệp vận tải hạ nhiệt giá cước tương ứng. Về nguyên lý là vậy, tuy nhiên trong chu kỳ tăng giá xăng, dầu vừa qua, mức tăng giá cước giữa các doanh nghiệp cũng như lĩnh vực vận tải là không đồng đều.

Sở hữu hãng xe Sao Việt chuyên chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát cho biết: Khi xăng vượt ngưỡng giá kỷ lục hơn 30.000 đồng/lít nhiều nhà xe trong đó có Sao Việt chưa điều chỉnh tăng giá cước. Vì vậy, giá xăng, dầu ở mức hiện tại chỉ giúp doanh nghiệp vận tải giảm bớt được một phần nhỏ của chi phí vận hành chứ chưa thể tính đến chuyện có lợi nhuận.

Xác nhận thực tế trên, đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho biết, trong chu kỳ tăng giá xăng, dầu vừa qua, đa phần các doanh nghiệp vận tải thuộc hiệp hội mới chỉ tăng giá cước vận tải một lần ở thời điểm giá xăng, dầu khoảng 22.000 đồng/lít. Đến nay, dù giá xăng, dầu giảm liên tiếp nhưng vẫn hơn 25.000 đồng/lít, cao hơn thời điểm các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải, do đó, chỉ giúp các doanh nghiệp bớt đi được phần nào khó khăn chứ chưa đủ để giảm giá cước vận tải.

Chưa tăng nên chưa giảm là một trong những nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp vận tải chưa điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, xét ở mặt bằng chung thì thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng giá cước vận tải. Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho hay, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Như về đường bộ, có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%; vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng, dầu. Trong lĩnh vực đường sắt, chỉ có giá vận tải hàng hóa tăng từ 3-5%. Giá cước đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải, mặc dù giá xăng, dầu tăng nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. “Giá xăng, dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng, dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm do thời gian đầu giá xăng, dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang lý giải.

Thủ tục rườm rà

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải bày tỏ nỗi lo về sự biến động của giá xăng, dầu khi giảm thì rất thấp nhưng khi tăng lại nhảy vọt. Trong khi đó, giá cước vận tải cần sự ổn định bởi mỗi lần điều chỉnh không chỉ rườm rà về thủ tục mà còn tốn kém về chi phí.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: Các doanh nghiệp vận tải taxi hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai do phải trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000-150.000 đồng/đồng hồ.

Lấy thí dụ ở thời điểm giá xăng tăng lên hơn 30.000 đồng/lít và đạt đỉnh 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6, ông Hùng cho biết, một số doanh nghiệp taxi đã đề xuất tăng giá cước, sau một thời gian hoàn thành các thủ tục, đến khi chuẩn bị thực hiện thì giá xăng lại hạ, do đó vẫn chưa kịp điều chỉnh và tiếp tục sử dụng mức giá cũ như hiện nay. Chính vì vậy, thông thường các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước.

Giá cước vận tải có tác động lớn tới đời sống dân sinh và là yếu tố cấu thành giá các loại hàng hóa. Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ Bộ đã giao từ trước và đặc biệt triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Theo đó, Bộ yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở Giao thông vận tải tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.