Thái Bình tích tụ được gần 6.000ha đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn

NDO - Bằng nhiều hình thức khác nhau, các hộ dân ở tỉnh Thái Bình trong những năm gần đây đang thực hiện việc tích tụ ruộng đất có quy mô đủ lớn để tập trung đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất lúa chất lượng và lúa hàng hóa. Hướng đi này bước đầu giúp nhiều hộ dân trồng lúa bắt đầu làm ăn có lãi.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Tô Văn Khải (thứ 2 từ phải sang), trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tích tụ được hơn 20ha ruộng để tổ chức sản xuất lúa quy mô lớn.
Anh Tô Văn Khải (thứ 2 từ phải sang), trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tích tụ được hơn 20ha ruộng để tổ chức sản xuất lúa quy mô lớn.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là vùng đất thuần nông với tổng diện tích cấy lúa hằng năm khoảng 76.200ha, bình quân đầu người chỉ khoảng 1,2 sào Bắc Bộ đất sản xuất.

Hiện nay, nếu chỉ sản xuất trồng trọt với diện tích như trên thì đời sống người nông dân sẽ rất khó khăn; đồng thời các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nguồn lực trẻ khỏe. Bởi vậy, xu hướng tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn và có hiệu quả hơn là xu thế tất yếu.

Thái Bình tích tụ được gần 6.000ha đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn ảnh 1

Tỉnh Thái Bình hiện đã có hơn 1.700 hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình, số hộ có diện tích sản xuất từ 2ha trở lên là 1.701 hộ, với tổng diện tích đạt 5.676ha.

3 huyện đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất là Quỳnh Phụ, Đông Hưng và Kiến Xương.

Huyện có số hộ tích tụ nhiều nhất là Đông Hưng với gần 500 hộ; huyện có diện tích tích tụ nhiều nhất là Quỳnh Phụ: 1.346ha. Toàn tỉnh hiện có 139 hộ tích tụ quy mô trên 5ha và 107 hộ có quy mô trên 10ha.

Hầu hết hình thức tích tụ là cho nhau mượn ruộng, rồi trả tiền dịch vụ cho Hợp tác xã nông nghiệp; chỉ một bộ phận nhỏ hộ dân thực hiện việc thuê ruộng để sản xuất. Đã có hơn 100 hộ tự liên kết với nhau, tổ chức hội họp, trao đổi kinh nghiệm.

Nếu như trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi, thì giờ đây nghề trồng lúa trên diện tích lớn bắt đầu cho hiệu quả.

Qua tìm hiểu ở các xã An Ninh, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ), có hộ dân sản xuất lúa trên quy mô lớn (2ha trở lên) đã cho lãi thấp nhất từ 300-400 nghìn đồng/sào/vụ và cao nhất dao động từ 500-700 nghìn đồng/sào/vụ.

Thái Bình tích tụ được gần 6.000ha đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn ảnh 2

Máy phun thuốc kết hợp rắc phân được anh Phạm Hồng Sơn, trú tại xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đầu tư để triển khai sản xuất lúa Nhật Bản trên quy mô gần 27ha ruộng đất tích tụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, các hộ dân tích tụ ruộng đất đã thành lập Hội sản xuất trồng trọt quy mô lớn giúp cho việc ký hợp đồng mua vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp giá bán buôn, không bị tư thương ép giá.

Ngoài ra, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được rộng rãi hơn, từ khâu làm đất đến thu hoạch; kết hợp đưa các tiến bộ mới về giống, phân bón và biện pháp canh tác mới vào đồng ruộng nhằm tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất cho hộ dân.