Bài 1: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Những năm gần đây, chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản hàng hóa…
Làm giàu từ đất
Thực tiễn thời gian qua, ở tỉnh Long An cũng như các địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, việc tích tụ ruộng đất đã xuất hiện tại nhiều nơi, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, tạo giá trị nông sản cao, giúp người nông dân làm giàu bằng chính nghề nông. Chúng tôi về ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (Long An), nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, không bờ đê ngăn cách, thuộc vùng đồng trũng Đồng Tháp Mười. Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Hương Trang Trần Văn Sửa, một trong những cư dân đầu tiên đến đây lập nghiệp cho biết: “Bà con chúng tôi về đây khai phá từ những năm 1980, rất khó khăn. Chính vì vậy, hễ ai khai phá được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Làm ăn lâu dần, có nhiều người có vốn, tích tụ đất ruộng do người khác không có nhu cầu sản xuất nữa chuyển nhượng lại. Thế là thành những cánh đồng lớn, rồi đầu tư công nghệ, khoa học - kỹ thuật, biến vùng đất lầy lội trước đây thành khu vực sản xuất trù phú như bây giờ”.
Tại huyện Thoại Sơn - nơi được xem là vựa lúa của tỉnh An Giang, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được biết ở đây có nhiều hộ nông dân đang sử dụng từ hàng chục héc-ta ruộng trở lên. Ông Nguyễn Văn Bé Đời, ngụ ở xã Bình Thành cho biết: “Tụi tui gần đây nghe đài báo nói chuyện tích tụ ruộng đất thấy hay. Hỏi ra mới biết là Nhà nước đang khuyến khích tập trung ruộng đất. Ở miệt này, có rất nhiều hộ có đất rộng. Thực tế, việc chuyển nhượng, góp đất nông nghiệp hình thành nên những cánh đồng lớn đã diễn ra từ lâu, theo đúng quy luật thị trường. Thời gian tới, nếu được xóa hạn điền, nhiều nông dân sẽ rất phấn khởi đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp”. Cũng tại An Giang, “đại gia” nông nghiệp Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn được nhắc đến là một trong những người có nhiều đất canh tác nông nghiệp nhất vùng. Nhờ có nhiều ruộng đất, biết đầu tư tiền vốn, khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, gia đình ông đã làm giàu từ chính nghề nông. Không những thế, nhiều hộ nông dân khác trong xã cũng có đời sống kinh tế ổn định thông qua việc liên kết làm ăn với các doanh nghiệp.
Tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn hơn do đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hạn hẹp, không tập trung. Tuy nhiên, do nỗ lực của các doanh nghiệp và chính sách phù hợp của các cấp chính quyền, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình nông dân sản xuất lớn, làm ăn hiệu quả nhờ kinh tế trang trại phát triển. Mô hình tích tụ ruộng đất để trồng ổi sạch và cây ăn quả theo quy trình VietGAP của hộ gia đình ông Bùi Xuân Hiếu, ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã cho doanh thu hơn một tỷ đồng mỗi năm là một thí dụ. Gia đình ông hiện đang sử dụng 5,5 ha đất thuê lại của 136 hộ dân địa phương. Các hộ gia đình sau khi cho ông Hiếu thuê đất, mỗi năm được trả 700 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, người nông dân cho thuê đất nếu làm tại trang trại của gia đình ông Hiếu, mỗi tháng có thu nhập từ ba đến năm triệu đồng.
Tại Hà Nam, một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền bắc về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã quy hoạch bốn khu nông nghiệp ứng dụng mô hình này với tổng diện tích 500 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến của doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần An Phú Hưng (liên doanh với đối tác Nhật Bản), Công ty Vineco (VinGroup), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam… Riêng dự án của Vineco, sau gần một năm đầu tư, đến nay đã có sản phẩm rau sạch bán trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động của địa phương, với thu nhập từ bốn đến sáu triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty này còn khảo sát gần 100 hộ, nhóm hộ tích tụ từ một héc-ta đất trở lên với tổng diện tích hơn 200 ha để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ở tỉnh Vĩnh Phúc, cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại, sản xuất, chăn nuôi tập trung như trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, trồng chuối tiêu hồng ở huyện Yên Lạc, trồng dược liệu tại Tam Đảo, trồng cỏ nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường…
Tại Nghệ An, nhờ chủ trương đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 720 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn. Với gần 358 nghìn hộ gia đình tham gia dồn điền, đổi thửa, hiện tại tỉnh đã có 91 nghìn ha đất nông nghiệp đủ điều kiện để phát triển sản xuất tập trung; từ đó, năng suất lao động và giá trị hàng hóa nông nghiệp ngày càng cao. Các địa phương khác như Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh… trong những năm qua, việc tích tụ ruộng đất đã diễn ra với nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp và sản xuất trang trại tại các nông hộ phát triển…
Cả nước hiện có hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân hiện đang quản lý, sử dụng 15 triệu ha (55,05%); tổ chức kinh tế đang sử dụng hơn 2,7 triệu ha (10,09%) và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng hơn 45 nghìn ha, chiếm 0,14% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất nông nghiệp đang được sử dụng… (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Tích tụ, tập trung ruộng đất để hiện đại hóa nông nghiệp
Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tiến hành hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa. Đây là tiền đề quan trọng để tiến hành việc tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác này. Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 78 nghìn ha (đạt 102,8% kế hoạch); trong đó chín huyện, thị xã có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt kế hoạch, bao gồm: Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên. Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên một héc-ta đất nông nghiệp đạt khoảng 240 triệu đồng/năm, tăng hơn sáu lần so với trước đây khi chưa thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa.
Tỉnh Hà Nam cũng đã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Hiện nay, mỗi hộ sản xuất chỉ còn từ một đến hai thửa đất canh tác. Qua đó, tỉnh tạo được đột phá về tổ chức sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao; thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã tiến hành lần thứ hai công tác dồn điền, đổi thửa. Kết quả lớn nhất lần này là người nông dân tự nguyện hiến một phần đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, đã giảm số thửa đất sản xuất nông nghiệp trung bình của một hộ gia đình từ bốn thửa xuống còn hai thửa. Tại tỉnh Nam Định, việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung đã phát triển ở nhiều địa phương.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng trăm trang trại với hơn 2.300 ha đất sử dụng tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, với giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng. Các huyện có trang trại phát triển mạnh là Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên. Thái Bình cũng là tỉnh được đánh giá cao trong việc dồn điền, đổi thửa. Hiện nay, tỉnh đang triển khai hiệu quả đề án tích tụ ruộng đất nông nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Qua đó, đề ra một số cơ chế chính sách, giải pháp, tổ chức thực hiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp nhằm chuyển dần sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Toàn tỉnh đã có 131 tổ chức, cá nhân ở 57 xã thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất, trồng trọt với tổng diện tích hơn 1.350 ha; trong đó trồng trọt chiếm 54,07%, chăn nuôi chiếm 23,67%, thủy sản chiếm 22,26%.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát huy hiệu quả cao từ nông nghiệp, thông qua tích tụ ruộng đất. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng, hiện nay, khu vực Đồng Tháp Mười có rất nhiều hộ gia đình đang sử dụng hàng chục héc-ta đất nông nghiệp, thông qua hình thức chuyển nhượng, hợp tác, liên kết. Khi đã tích tụ được nhiều đất, các nông hộ trang bị máy móc phục vụ sản xuất trên mảnh đất của mình và làm dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con. Lợi nhuận thu được hằng năm hàng tỷ đồng. Không những thế, các nông hộ có đất tập trung còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập ổn định.
Tại tỉnh An Giang, bên cạnh các doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả nhờ tập trung ruộng đất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nhiều địa phương, hộ dân đã biết cùng nhau liên kết, mở rộng diện tích canh tác, tạo ra chuỗi nông sản hàng hóa có giá trị cao. Nhờ có diện tích ruộng lớn, nhiều nông dân đã trở thành những chủ doanh nghiệp nông nghiệp. Trong nền nông nghiệp hàng hóa lớn, việc chủ động về diện tích canh tác với hàng nghìn héc-ta chuyên canh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, hạn điền thực tế chỉ còn mang tính hình thức cho nên việc xóa hạn điền là điều cần thiết để phát triển sản xuất hàng hóa lớn, từ đó có sự liên kết, tạo chuỗi giá trị khép kín cho nông nghiệp hiện đại. Ở An Giang, thực tiễn cho thấy, nông dân có diện tích đất lớn hiện nay rất nhiều, nhất là những vùng mới khai phá thuộc huyện Tri Tôn hay các huyện chuyên canh lúa lớn như Thoại Sơn, Châu Phú...
Theo Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương, tích tụ ruộng đất là nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chủ trương cụ thể về việc thuê, mua, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Cần hỗ trợ người đầu tư tích tụ ruộng đất theo đúng chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
(Còn nữa)