Gỡ khó trong tích tụ ruộng đất, nhìn từ Hà Nam

Ðặt mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt thông qua việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), Hà Nam đã có nhiều nỗ lực, song vẫn đang vấp phải những vướng mắc trong thực hiện tích tụ ruộng đất. Ðiều này đòi hỏi chính quyền tỉnh phải có những giải pháp hiệu quả hơn.

Ðể bà con nông dân có mặt bằng sản xuất rau an toàn, chính quyền xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng đã phải rất nỗ lực trong dồn đổi ruộng.
Ðể bà con nông dân có mặt bằng sản xuất rau an toàn, chính quyền xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng đã phải rất nỗ lực trong dồn đổi ruộng.

Tăng hiệu quả sử dụng đất

Hà Nam hiện có 46 xã xây dựng được 55 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 578 ha của 1.885 hộ tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa an toàn. Chương trình liên kết với doanh nghiệp được đẩy mạnh, như Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) đã tổ chức khảo sát 40 hợp tác xã, nhóm hộ, hộ nông dân và đã ký kết hợp đồng liên kết được với 24/40 hộ. Hiện đã có 5/24 hộ, cơ sở sản xuất rau củ sạch đưa 76,6 tấn sản phẩm nông nghiệp sạch lên kệ tại hệ thống siêu thị Vinmart, giá bán tăng từ 15-25% so với giá bán tại địa phương. Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng CNC, khu sản suất ngoài trời đạt 1.200 triệu đồng/ha/năm, khu trong nhà kính đạt 4.500 triệu đồng/ha/năm.

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Hà Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn về đầu tư, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Ðến nay, tỉnh Hà Nam tiếp tục phê duyệt sáu khu nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 656,22 ha. Các hộ dân có đất nông nghiệp trong các khu nông nghiệp này đã ký hợp đồng cho thuê đất là 375,68 ha, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, từng bước đưa rau an toàn ra thị trường.

Thúc đẩy xây dựng "vùng lõi" sản xuất sạch

Tuy nhiên, do tập quán canh tác nông nghiệp theo kiểu truyền thống với những mảnh ruộng vừa và nhỏ đã ăn sâu trong tiềm thức người nông dân, nên việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như nhận thức của người dân về nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng CNC còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho hay: Ở nhiều nơi bà con nông dân vẫn còn băn khoăn, nghe ngóng tình hình mà chưa thật sự muốn bắt tay vào tích tụ. Do vậy, việc tích tụ đất để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp CNC tại địa phương vẫn còn ở mức độ vừa phải. Nhiều hộ dân băn khoăn, lo ngại là sau khi người dân giao lại cho chính quyền địa phương để chính quyền đứng ra cho doanh nghiệp thuê lại thì sẽ không còn tư liệu để sản xuất. Vậy nên, ông Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, hiến kế: Các cơ quan liên quan cần tham mưu nâng thời hạn thuê đất 5% từ 5 năm lên 20 năm và thu tiền 5 năm một lần để cá nhân, tổ chức yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lớn.

Mặt khác, nhiều hộ dân lại tự tích tụ theo hình thức thỏa thuận giữa các hộ với nhau. Chẳng hạn như, tại huyện Lý Nhân, Kim Bảng đã có một số hộ gia đình mạnh dạn thuê hoặc dồn đổi ruộng đất của người dân để sản xuất các loại rau với quy mô đến hàng chục mẫu. Họ cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng trở lên để áp dụng CNC cho sản xuất như: Làm khung nhà màn, nhà lưới, lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động tưới cho cây trồng và áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP… Thông qua việc thuê, mượn ruộng đất, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Nhưng điều đáng nói là bên cạnh những hiệu quả tích cực của việc tập trung đất đai cho sản xuất, nhiều trường hợp khi thuê, mượn ruộng còn gặp vướng mắc. Ðể có diện tích tập trung, quy mô lớn, các tổ chức, cá nhân phải tự thỏa thuận với hàng chục hộ dân về mức giá thuê ruộng. Do đó, không tránh khỏi tình trạng mỗi người một giá khác nhau, mà chính quyền các cấp không quản lý được. Thậm chí, khi doanh nghiệp hoặc các hộ dân đã thuê được hàng chục ha đất tập trung nhưng chỉ cần một số hộ có ruộng xen kẹt ở giữa không nhất trí cho mượn ruộng, thì cũng đành phải sản xuất kiểu "xôi đỗ".

Một điều nữa, phần lớn việc thuê, mượn ruộng đều hình thành tự phát từ nhu cầu thực tế của các tổ chức, cá nhân. Tự các hộ dân thỏa thuận với người dân hoặc với doanh nghiệp để thuê ruộng theo mùa vụ bằng hình thức hợp đồng viết tay mà không thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân hay chứng nhận của cơ quan nhà nước. Ðiều đó, dẫn đến việc, khi có nảy sinh những tranh chấp, hai bên không tự giải quyết được thì cũng rất khó có cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng giải quyết.

Về vấn đề này, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhận định: Ðể thực hiện hiệu quả chủ trương tích tụ ruộng đất tập trung để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đồng hành với người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh khi thực hiện việc tích tụ và nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, chấp hành nghiêm. Cùng với đó, tỉnh đang đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đi vào sản xuất để trở thành hạt nhân, vùng lõi dẫn dắt các hộ dân chung quanh phát triển.

Thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố như Thái Bình, Hải Dương, Hà Giang, Lâm Ðồng, Hà Nội… đã có nhiều biện pháp nhằm tích tụ ruộng đất, nhưng vẫn là một thách thức không nhỏ bởi tư duy sản xuất manh mún của người dân. Nếu các cơ quan chức năng không đưa ra được các biện pháp gỡ khó cho tích tụ ruộng đất, thì việc sản xuất rau an toàn sẽ còn gặp nhiều trở ngại.