Thái Bình: Khoảng 4.000 doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan công quyền

NDO - Thông tin cho báo chí, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, để tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, địa phương tiếp tục triển khai đo lường Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị triển khai DDCI của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
Quang cảnh Hội nghị triển khai DDCI của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Thực chất việc triển khai DDCI chính là khảo sát, thu nhận đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lại Văn Hoàn thông tin: Đây là năm thứ 4, chính quyền tỉnh quyết tâm triển khai hoạt động này để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong năm. Tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để doanh nghiệp đề xuất các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm tiếp theo; đồng thời nhằm chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại ở những ngành, lĩnh vực, đơn vị được khảo sát.

Thái Bình: Khoảng 4.000 doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan công quyền ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện DDCI trong bối cảnh địa phương đang nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Theo kế hoạch đề ra, có 21 sở, ban, ngành; 6 đơn vị khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 8 huyện, thành phố nằm trong diện được đánh giá dịp này. Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức triển khai phát phiếu khảo sát đến ít nhất 4.000 doanh nghiệp để “chấm điểm” cơ quan công quyền.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Phạm vi, quy mô khảo sát tập trung ở các hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn có sử dụng dịch vụ hành chính công, hoặc có giao dịch, tiếp xúc với cơ quan công quyền trong thời gian từ 1/7/2023 đến 30/6/2024.

Qua theo dõi, doanh nghiệp sẽ “chấm điểm” khối sở, ban, ngành qua 9 chỉ số, trong đó có các chỉ số đáng chú ý như: Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép gia nhập thị trường.

Thái Bình: Khoảng 4.000 doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan công quyền ảnh 3

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình khẳng định việc triển khai DDCI là chủ trương, hành động mạnh mẽ của Ủy ban nhân dân tỉnh trong bối cảnh hiện nay.

Đối với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, doanh nghiệp sẽ thực hiện “chấm điểm” trên 10 chỉ số, trong đó có những chỉ số quan trọng như: Tiếp cận đất đai; Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Việc khảo sát sẽ được thực hiện trực tiếp kết hợp trực tuyến, dự kiến trong tháng 12 năm nay sẽ tổ chức công bố kết quả khảo sát quan trọng này. Nhằm bảo đảm tính khách quan, Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế (thành phố Hà Nội) đã được lựa chọn tham gia hỗ trợ cho đợt khảo sát lần này.