Thái Bình: Các trường học thiếu gần 1.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

NDO - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Điều này tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giảng dạy tại các trường học, trong đó, có việc nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Trung học cơ sở Trần Phú (thành phố Thái Bình) hiện đang thiếu khoảng 7 giáo viên.
Trường Trung học cơ sở Trần Phú (thành phố Thái Bình) hiện đang thiếu khoảng 7 giáo viên.

Năm 2024, tổng số biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được giao trong các trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên (công lập) ở tỉnh Thái Bình là 24.398 người, nhưng tổng số hiện có mới đạt 22.928 người (thiếu 1.470 người).

Cụ thể, tại các trường mầm non, biên chế được giao 7.549 người, số còn thiếu 231 người.

Tại các trường tiểu học, biên chế được giao là 4.086 người, hiện thiếu 450 người. Tại các trường trung học cơ sở, biên chế được giao là 3.316 người, còn thiếu 147 người.

Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, biên chế được giao là 6.794 người, số hiện có 6.376 người (thiếu 418 người).

Tại các trường trung học phổ thông, biên chế được giao 2.321 người, số hiện có 2.112 người (thiếu 209 người).

Tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, biên chế được giao 332 người, số hiện có 317 người (thiếu 15 người).

Thái Bình: Các trường học thiếu gần 1.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ảnh 1

Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ) hiện thiếu 2 giáo viên văn hóa tiểu học, hằng năm huyện vẫn tuyển nhưng không đủ nguồn.

Được biết, trong năm học 2022-2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tuyển dụng được 922 giáo viên, nhân viên trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Còn trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tuyển dụng được 72 giáo viên, nhân viên trường học.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn chưa khỏa lấp được tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện nay.

Qua đánh giá, đội ngũ giáo viên nếu xét về số lượng, cơ cấu ở một số môn học, cấp học còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Công tác tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương còn gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng.

Bên cạnh đó việc hợp đồng giáo viên gặp trở ngại trong việc chi trả kinh phí hợp đồng (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ). Ngoài ra, quá trình triển khai đào tạo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và bồi dưỡng giáo viên gặp khó khăn do các Nghị định của Chính phủ chưa có sự thống nhất về phương thức thực hiện.

Ngoài thiếu giáo viên, thì hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số trường học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là cấp trung học cơ sở thiếu hệ thống phòng học bộ môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.

Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như hoạt động chưa bảo đảm, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thái Bình: Các trường học thiếu gần 1.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ảnh 2
Trường tiểu học và trung học cơ sở Thụy An (huyện Thái Thụy) xuống cấp nghiêm trọng, các hoạt động giảng dạy, học tập phải tạm dừng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 còn thấp.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tỉnh Thái Bình đang tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tăng cường huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Hoàn thành kiểm định chất lượng, công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.

Mặt khác, địa phương quyết tâm bằng nhiều giải pháp bảo đảm đủ số lượng và tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; thực hiện linh hoạt các phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Kèm theo đó là thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên.

Tại buổi đối thoại với 355 cán bộ quản lý và giáo viên tiêu biểu mới được tổ chức trong tháng 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đề nghị các huyện, thành phố phải thực hiện tuyển đủ số lượng giáo viên được phân bổ; triển khai dần hoạt động tự chủ trong trường học; rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay và có thể tính đến cả việc sáp nhập để giải quyết vấn đề thừa-thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố chủ động xây dựng ngay Đề án bố trí việc làm, đây là cơ sở quan trọng để tổ chức thăng hạng giáo viên, cùng với đó là đào tạo lại đội ngũ giáo dục để nâng cao trình độ, nhất là trình độ tiếng Anh.

Để giảm áp lực cho các nhà trường, đồng chí cho rằng cần hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu các cuộc thi không cần thiết trong trường học và siết chặt hoạt động học tập trải nghiệm đang bị lạm dụng, biến tướng.