Cùng suy ngẫm

Giải bài toán thiếu giáo viên ở khắp các địa phương

Số lượng giáo viên đang thiếu ở khắp các địa phương. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Duy Linh)
Ảnh minh họa. (Duy Linh)

Thiếu giáo viên xảy ra nhiều ở môn Tiếng Anh, Tin học (đối với giáo dục tiểu học); môn Âm nhạc, Mỹ thuật (đối với trung học phổ thông). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương, giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tuyển dụng bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Việc tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên bảo đảm nghiêm túc theo quy định của pháp luật; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: Thông tin rộng rãi về chỉ tiêu tuyển dụng, trao đổi giữa các địa phương để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu...

Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Việc quyết định bổ sung số lượng lớn chỉ tiêu biên chế giáo viên từ các cấp có thẩm quyền sẽ tạo điều kiện tốt nhất thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục. Điều quan trọng hiện nay là quá trình tuyển dụng của các địa phương cần công khai, minh bạch, thống nhất giữa các huyện, quận trong mỗi tỉnh, thành phố. Mặt khác, cần căn cứ vào nhu cầu giáo viên theo môn học để tuyển dụng, tránh tuyển theo số lượng chung dẫn đến thiếu môn học này nhưng lại tuyển giáo viên môn học khác dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu giáo viên như đã xảy ra những năm qua.