Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình thống nhất quan điểm chỉ đạo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, không vì tinh giản biên chế mà ảnh hưởng chất lượng dạy và học, quyền lợi của học sinh.
Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trong tỉnh thực hiện hợp đồng giáo viên, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Trong đó, các đơn vị cần ưu tiên duy trì số lượng giáo viên hợp đồng hiện có, giáo viên có kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng dạy học; đồng thời quản lý chặt chẽ số lượng giáo viên hợp đồng, không để xảy ra tình trạng hợp đồng nhiều giáo viên so nhu cầu cần thiết.
Đối với 152 biên chế sự nghiệp giáo dục công lập, năm học 2022-2023, tỉnh Quảng Bình được tăng thêm tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương giai đoạn 2002-2026, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo phương án phân bổ biên chế cho các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý; khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên còn thiếu theo vị trí việc làm. Đối với các vị trí chưa tuyển dụng ngay được, nghiên cứu bổ sung thêm giáo viên hợp đồng.
Được biết, năm học 2022-2023, tỉnh Quảng Bình thiếu hơn 1.800 giáo viên so quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguyên nhân thiếu giáo viên là do cắt giảm biên chế theo lộ trình của Chính phủ và thực tế tăng số lớp, nhóm lớp trong năm học 2022-2023. Nếu chậm khắc phục, việc thiếu biên chế sẽ ảnh hưởng lớn hoạt động dạy và học trên địa bàn tỉnh.