Thái Bình ban hành văn bản khẩn phòng, chống đau mắt đỏ

NDO - Tại Thái Bình, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có nhiều người phải nhập viện. Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã có văn bản khẩn gửi các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa cũng như điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 1 tháng qua, Trạm y tế xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) phát hiện khoảng 200 trường hợp mắc đau mắt đỏ.
Trong 1 tháng qua, Trạm y tế xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) phát hiện khoảng 200 trường hợp mắc đau mắt đỏ.

Qua theo dõi của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình, chỉ tính từ ngày 11-17/9 vừa qua, Bệnh viện Mắt cho nhập viện 57 trường hợp đau mắt đỏ.

Còn tại các bệnh viện đa khoa ở 7 huyện và thành phố Thái Bình, trung bình ghi nhận khoảng 10-15 trường hợp tới khám mỗi ngày. Hầu hết là các ca mắc có triệu chứng nhẹ, chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà.

Hiện số trường hợp nghi mắc bệnh đang theo dõi, giám sát tại cộng đồng là hơn 3.600 người. Riêng tại thành phố Thái Bình và một số huyện như: Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Đông Hưng đã ghi nhận số mắc tăng ở các trường mầm non, tiểu học với hơn 1.000 trường hợp.

Bà Phạm Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Bình cho hay, qua nắm bắt số liệu bệnh nhân đến khám và điều trị cho thấy mấy tháng gần đây, bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng, nhất là tháng 7, tháng 8.

Số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm 27,74% đến 35,13% tổng số lượt bệnh nhân đến khám mắt tại bệnh viện.

Theo bà Phương, bệnh đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh dễ lây lan ở lứa tuổi học đường. Bệnh có biến chứng phức tạp, nếu không điều trị kịp thời, biến chứng tăng lên do người bệnh đến muộn và tự ý dùng thuốc.

Thái Bình ban hành văn bản khẩn phòng, chống đau mắt đỏ ảnh 1

Dịp cuối tuần gần đây, Bệnh viện Mắt Thái Bình khám cho 80 người thì phát hiện gần một nửa mắc đau mắt đỏ.

Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Thái Bình giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố tăng cường giám sát, xử lý sớm ổ dịch trên địa bàn.

Tư vấn, tuyên truyền, khuyến cáo người dân có biểu hiện như: Nhìn mờ, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm theo đau nhức, bệnh kéo dài hơn 1 tuần không khỏi cần tới ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám, điều trị kịp thời.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác thu dung, điều trị; thực hiện điều trị người bệnh theo phác đồ, chuyển tuyến theo quy định.

Sở Y tế tỉnh Thái Bình đề nghị các cơ sở giáo dục, công ty, nhà máy thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống đau mắt đỏ. Thông báo ngay cho y tế địa phương để nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch triệt để, hiệu quả.

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ như: Dùng riêng khăn rửa mặt; rửa mặt, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; không dùng tay dụi mắt.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chỉ lây theo đường trực tiếp, tuy nhiên mọi người dân cần chủ động thăm khám khi có biểu hiện đau mắt đỏ, hạn chế những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.