Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, diễn biến dịch năm 2023 giống như vụ dịch lớn năm 2017 và dịch vẫn chưa được kiểm soát. Đã có các trường hợp tử vong do đến bệnh viện muộn vì sốc giảm thể tích, suy đa tạng, rối loạn đông máu.
Gần đây, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết xin nhập viện vì sợ tiểu cầu thấp. Hoặc khi thấy chỉ số tiểu cầu tụt, có đề nghị truyền tiểu cầu.
Tuy nhiên, trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.
Nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu và nên cho xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các Trung tâm huyết học.
“Phần lớn các trường hợp giảm tiểu cầu, thậm chí xuống rất thấp (dưới 10 G/L), cũng không gây xuất huyết và sau đó đều tự hồi phục sau 7-10 ngày. Trong khi các trường hợp tử vong thường do đến viện muộn, máu bị cô đặc gây sốc, rối loạn đông máu và suy đa tạng, xử trí lúc này hết sức khó khăn”, bác sĩ Cường nói.
Như trường hợp bệnh nhân trên, sau 7 ngày đã bình phục sức khỏe, chỉ số tiểu cầu về mức bình thường. WHO và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo, bệnh Dengue không phải chỉ là bệnh của tiểu cầu, mà là bệnh lý rối loạn huyết động toàn thân, và không nên truyền tiểu cầu kể cả khi nó xuống rất thấp, và thực tế nhiều trường hợp tiểu cầu chỉ còn 5-10 nhưng cũng sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 1 tuần mà không phải truyền tiểu cầu.
Bác sĩ Cường khuyến cáo các bác sĩ khi chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất đừng quá chú trọng vào số lượng tiểu cầu (xuất huyết) mà hãy để ý đến tình trạng cô đặc máu (Hematocrit tăng, tràn dịch màng bụng, màng phổi), để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời sốc giảm thể tích, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Tháng 11 sốt xuất huyết Dengue ở Hà Nội đang vào đỉnh dịch và lan dần ra các tỉnh lân cận. Hiện tại, các bệnh viện đều chật kín bệnh nhân, nhân viên y tế luôn trong trạng thái chống dịch căng thẳng.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 31.013 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông (2.519 ca), Hoàng Mai (2.000 ca), Phú Xuyên (1.1921 ca), Thanh Oai (1.878 ca), Đống Đa (1.729 ca), Thanh Trì (1.622 ca).
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng số ổ dịch sốt xuất huyết là 1.757, hiện còn 176 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai là 124 bệnh nhân; thôn Tư Can, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên có 113 bệnh nhân; xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên có 90 bệnh nhân…
Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, kết quả xác định týp của 16 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện: Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Hà Đông có 2 mẫu dương tính với DEN 1; 13 mẫu dương tính DEN 2; 1 mẫu dương tính DEN3.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay có 14 mẫu dương tính với DEN1; 17 mẫu dương tính DEN2 và 1 mẫu dương tính DEN3.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận vẫn chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Trong khi đó, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (BI=40); thôn Chúc Đồng, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ (BI=40); xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên (BI=70)...
Thực tế đó cho thấy, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng trong các tuần tới. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.