An Giang có hơn 10.000 học sinh bị bệnh đau mắt đỏ

NDO - Ngày 28/9, Sở Y tế tỉnh An Giang thông tin, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đang có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Một trường mầm non ở huyện Phú Tân hướng dẫn trẻ cách vệ sinh phòng trị bệnh mắt đỏ.
Một trường mầm non ở huyện Phú Tân hướng dẫn trẻ cách vệ sinh phòng trị bệnh mắt đỏ.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 11 nghìn ca bệnh, trong đó, học sinh chiếm 10.073 ca, còn lại cộng đồng 1.782 ca.

Các huyện có số ca học sinh mắc cao nhất gồm: Châu Phú (2.230 ca), Thoại Sơn (1.445 ca), Tri Tôn (1.321 ca), Chợ Mới (1.157 ca).

Số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc gia tăng đáng báo động tại trường học. Trong 1 tuần từ ngày 16 đến 22/9 có 5.073 học sinh bị bệnh, trong khi đó cộng đồng chỉ 708 ca. Theo ngành y tế, chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào bị bệnh nặng dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Sở Y tế An Giang đã phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động triển khai các hoạt động tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại nơi làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; các trường mầm non, mẫu giáo cần bảo đảm vệ sinh trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, cảm giác nổi cộm, có sạn ở trong mắt, mi mắt sưng nhẹ... cần đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời, không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng.

Khi khám và phát hiện các trường hợp bệnh đau mắt đỏ, cho chỉ định nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây lan trong trường học, cơ quan, xí nghiệp. Khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị đau mắt đỏ để tránh gây nên biến chứng nặng.

Các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động điều trị bệnh đau mắt đỏ; không để thiếu thuốc trong điều trị; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo trong đơn vị.