Những ngày cận kề Tết Độc lập 2/9, ông Lý A Gia, bản Nậm Pắt, xã Tà Mung cùng vợ quét dọn nhà cửa và mang lá cờ Tổ quốc ra treo trước cổng. Trong chính giữa ngôi nhà trên cùng khu vực thờ cúng tổ tiên, ông Gia cẩn thận treo di ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ vài việc làm rất nhỏ ấy nhưng lại thể hiện tinh thần yêu nước, sự biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
Ông Lý A Gia, bản Nậm Pắt, xã Tà Mung treo di ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Theo như lời ông Gia, nhờ có Đảng, có Bác Hồ, gia đình ông và người dân trong bản mới có cuộc sống ổn định như hôm nay. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Độc lập 2/9, gia đình ông Gia và nhiều hộ dân trong bản lại bảo nhau dọn dẹp nhà cửa, thay hoặc treo lại cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ.
Năm nay cũng vậy, cũng vẫn vài việc làm đó nhưng cùng với di ảnh Bác Hồ, bác Giáp năm nay có thêm cả di ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc làm này với gia đình ông Gia và bà con ở bản hoàn toàn là một thói quen tự nguyện, không cần ai phải vận động, bà con thờ di ảnh đơn giản vì ghi nhớ những cống hiến, đóng góp của các bác dành cho đất nước, cho nhân dân.
Vui Tết Độc lập cùng người H’Mông
Theo ông Sùng A Sa, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Mung, người H'Mông ở xã rất hào hứng chờ đón Tết Độc lập. Điều này trở thành một thói quen có từ lâu rồi. Hằng năm, mọi người chuẩn bị tiền, quần áo, nhà nhà treo cờ, treo ảnh Bác để chào đón Tết Độc lập.
Trước đây khi huyện chưa tổ chức ngày hội thì cứ đến sáng 2/9 là người dân cùng nhau đi ra huyện tham quan, vui chơi, nhiều người đi huyện chỉ để chơi, mua một chút đồ, ăn bát phở rồi lại về.
Hiện nay, Tết Độc lập được huyện đưa vào chương trình chung với nhiều hoạt động được tổ chức quy mô lớn, bà con không phải ai cũng tham gia vào các hoạt động đó, nhưng họ vẫn hào hứng.
Nhiều gia đình đưa nhau đi chơi từ ngày hôm trước để được xem hết các hoạt động, các trò chơi.
Bà con mua sắm vật dụng trang trí quần áo để đi chơi Tết Độc lập. |
Từ cuối tháng 8, ở hầu hết các bản làng vùng cao đều treo đầy cờ hoa, biểu ngữ chào mừng, niềm vui của Ngày Độc lập lan tỏa, mọi người gặp nhau ai cũng hân hoan.
Chị em phụ nữ người thì khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho bộ trang phục của mình để kịp diện xuống phố đi chơi vào đúng ngày Tết Độc lập; người thì dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa.
Cánh đàn ông thì tranh thủ cùng nhau ôn lại những bài khèn, bài sáo đặc trưng để giao lưu khi gặp bạn giữa ngày hội.
Chị Kháng Thị Sâu, bản Tu San, xã Tà Mung háo hức khoe, năm nào chị cũng háo hức chờ đợi dịp Tết Độc lập để được đi chơi. Như một thói quen, lúc còn nhỏ, cứ đến Tết Độc lập chị lại được bố mẹ đưa xuống huyện chơi, lớn lên thì năm nào cũng đi chơi cùng nhóm bạn.
Cũng từ những lần đi chơi như đó chị đã nên duyên, giờ làm mẹ, làm vợ rồi chị cũng vẫn háo hức xuống huyện cùng gia đình vào những dịp này.
Chị em khẩn trương hoàn thiện trang phục mới để mặc đi chơi dịp Tết Độc lập. |
Theo lời kể của những người cao tuổi ở các bản đồng bào dân tộc H'Mông huyện Than Uyên, trước đây bà con chỉ ăn Tết một lần vào dịp cuối năm, nhưng kể từ ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng bào H'Mông đã coi đây là ngày Tết thứ hai của dân tộc mình.
Lúc đầu bà con gọi đó là Ngày hội, chỉ đơn giản là cùng nhau tập trung về trung tâm huyện để được gặp gỡ, giao lưu, mua sắm...
Thời ấy điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, bà con ở bản xa xôi vẫn nô nức xuống núi từ chiều hôm trước để kịp đón Tết từ sáng sớm ngày 2/9.
Không phân biệt già trẻ, gái trai ai nấy đều mặc những bộ trang phục truyền thống thật đẹp, nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, gặp nhau là cùng nhau thổi khèn, thổi sáo, múa hát, vui chơi.
Những người đàn ông tập luyện lại những bài khèn để ngày Tết Độc lập xuống huyện giao lưu. |
Qua nhiều năm, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên, ngày Tết Độc lập không chỉ đơn giản là nhu cầu về huyện vui chơi tập trung của bà con người H'Mông trên các bản vùng cao; Tết Độc lập đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn; cùng sự quan tâm của người dân ở một số huyện lân cận thuộc các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La; du khách trong và ngoài nước; hằng năm lượng người “đổ” về trung tâm huyện Than Uyên đón Tết Độc lập ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên cho biết, trước đây, Tết Độc lập tại huyện là hoạt động tự phát. Cứ đến ngày 2/9 là bà con nhân dân tập trung về trung tâm huyện để vui chơi.
Dịp Tết Độc lập của những năm trở lại đây quy mô tổ chức ngày càng lớn, nhiều hoạt động và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách khắp nơi. |
Bắt đầu từ năm 2012, nhận thấy được ý nghĩa quan trọng trong đoàn kết các dân tộc, để hưởng ứng Tết Độc lập, Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên đã tổ chức Ngày Hội văn hóa thể thao các dân tộc vào đúng ngày mùng 2/9 để bà con nhân dân được mang bản sắc văn hóa của mình đến giao lưu.
Qua các năm thì quy mô ngày Tết Độc lập càng lớn, các hoạt động ngày càng nhiều, người tham dự không chỉ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh, mà ở cả các tỉnh, thành trong cả nước cũng như du khách nước ngoài. Do đó, huyện Than Uyên đã xây dựng định hướng tổ chức Tết Độc lập gắn với phát triển du lịch.
Tết Độc lập cũng đã được tổ chức thành quy mô cấp tỉnh.
Sau 12 năm tổ chức liên tục, Tết Độc lập ở Than Uyên đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam vì là huyện tổ chức Tết Độc lập thường xuyên nhất trong các tỉnh miền núi Tây Bắc.