Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Tây Ninh những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Những ngày này, trên khắp vùng biên ải của tỉnh Tây Ninh, từ Chàng Riệc đến Lò Gòn, Xa Mát, Kà Tum, Phước Tân…, có nhiều đoàn người từ miền bắc về dâng hương tại những tượng đài và viếng mộ liệt sĩ nằm dọc tuyến biên giới Tây Nam giáp Cam-pu-chia; những đồng đội chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) - nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã vĩnh viễn nằm xuống.

Thượng tá Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Tây Ninh cho biết: “Lịch sử BĐBP Tây Ninh ghi rất rõ, sau năm 1975, đơn vị được bổ sung 178 cán bộ, chiến sĩ từ bắc vào, nâng tổng quân số đơn vị lên 304 người, có nhiệm vụ bảo vệ 240 km đường biên giới”.

Đại tá Lê Nga, nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng CANDVT tỉnh cho biết, từ tháng 5 đến tháng 12-1975, bọn Pôn Pốt đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh. Điển hình là ngày 22-6-1975, một tiểu đoàn Pôn Pốt đánh sang khu vực Long Khánh, huyện Bến Cầu; ngày 26-6-1975, một đại đội quân Pôn Pốt chia thành ba mũi đánh vào khu vực Gò Cao, bắt dân, đốt nhà, gài mìn, cải trang thành dân thường sang lấn chiếm hơn 132 ha đất. Năm 1976, chúng gây ra gần 200 vụ khiêu khích, đặt mìn giết 20 người dân, hàng trăm trâu, bò. Trước tình hình nêu trên, Tỉnh ủy Tây Ninh xác định: “nhân dân Cam-pu-chia là bạn ta, nhưng nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào khiêu khích, xâm lấn, gây chia rẽ thì đó là kẻ thù”. Bộ Tư lệnh CANDVT chi viện cho Tây Ninh với quân số tương ứng bốn đồn để bảo vệ biên giới...

Đỉnh điểm, đêm 24 rạng sáng 25-9-1977, Pôn Pốt dùng lực lượng lớn, đồng loạt tiến công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên; tàn sát, đốt phá, cướp bóc nhân dân địa phương hết sức dã man... Riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hết. Ông Phạm Văn Đắc, người sống sót và từng chứng kiến những cái chết đau thương của bà con xã Tân Lập, kể: “Thương nhất là 11 thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học Tân Thành, đều là sinh viên mới ra trường từ Sài Gòn về dạy học cho trẻ nhỏ. Bà con ai cũng thương, tuy khổ cực, nhưng không thầy giáo, cô giáo nào kêu than, cũng làm ruộng, trồng rau như mọi người. Đêm đó, nghe kẻng báo động, hai thầy giáo và chín cô giáo vùng dậy chạy nhưng bị bắt. Khi tôi về thì thấy tất cả đã bị sát hại một cách hèn hạ. Ông Đắc lau nước mắt, rồi chỉ ra tấm bia nhỏ, ghi dòng chữ: “Hận thù này, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời”, mà ông và bà con dựng trên sân trường, sau khi chôn cất các giáo viên.

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính ủy CANDVT Tây Ninh nhớ lại, chiều 16-11-1977, tại Đồn Biên phòng Phước Tân, nơi ông từng lên chỉ đạo chiến đấu cách đây 40 năm; “đoàn đi có đồng chí Lãi, lên làm chính trị viên thay cho Thượng úy Phạm Văn Hiểu (quê Hà Tĩnh) về tỉnh nhận quyết định Phó Chủ nhiệm Hậu cần CANDVT Tây Ninh. Tôi triệu tập Chi bộ Đồn họp, sau đó kiểm tra công sự, bẫy chông, khu vực gài mìn, rồi nói với Đồn trưởng Dương Văn Nho: “Pôn Pốt sắp đánh Đồn, nhưng không biết đánh lúc nào mà thôi”. Đồng chí Nho thề với tôi: “Chỉ chịu mất Đồn khi Pôn Pốt bước qua xác Năm Nho”. Kiểm tra xong tôi lên xe về, nhưng đồng chí Hiểu không về cùng, mà xin ở lại cùng anh em bảo vệ Đồn”.

Là người cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu suốt bảy ngày đêm bảo vệ Đồn Phước Tân, Đại úy Phan Huy Hoàn, nguyên Chính trị viên Đồn Phước Tân nay đã gần 70 tuổi. Ông Hoàn xúc động kể: 20 giờ ngày 16-11-1977, nước đồng dâng ngang bụng, tôi và Năm Nho còn bắt cá lóc nướng ăn với anh Lãi và anh Hiểu. Năm Nho nhắc mọi người “chỉ nhấp môi”, sau đó đi kiểm tra, lúc 22 giờ đêm mới về Đồn. Đến 24 giờ, nghe tiếng sột soạt, Hạ sĩ Lê Văn Tí vào báo cáo, anh Năm Nho bật dậy thì B40 bắn thẳng vào đội hình mình. Sau này mới biết, đêm đó giặc tập trung hai trung đoàn, chia làm ba mũi tiến công trực diện vào Đồn. Tỉnh lại, tôi thấy anh Năm Nho đã hy sinh. Mấy anh em khác nằm dưới đất trong vũng máu, Hạ sĩ Tí bị thương ở đầu, quấn khăn trắng lao ra bắn tiếp. Trung sĩ Phùng Bá Sinh gãy chân nhưng vẫn vác đại liên ra bắn, trong khi địch đông, áp đảo, bắn như mưa vào Đồn. Nhiều chiến sĩ hy sinh ngay đợt bắn đầu tiên của giặc…!

Cũng như ông Hoàn, Trung Đội trưởng Trinh sát Lê Xuân Kinh (quê Bắc Giang), vì xót thương đồng đội hy sinh khi còn quá trẻ, cho nên tình nguyện ở lại mảnh đất biên cương mà ông từng cùng đồng đội bảo vệ. Ký ức người lính già ùa về sau 40 năm: Thấy anh em hy sinh nhiều, tôi giật súng bắn trả. Trong chớp lửa, tôi thấy chúng quá đông, hò hét rất to. Hết đạn, tôi cùng xạ thủ Hà Tăng không kịp chạy vào lấy thêm đạn, bèn quăng lựu đạn chặn địch. Tụi Pôn Pốt khựng lại thì Chính trị viên Hiểu chạy đến từng vị trí, động viên: “Vững vàng không bỏ chốt, đã qua lúc bất ngờ”. Giằng co đến sáng hôm sau, địch tổ chức thêm hai đợt đánh mạnh vào Đồn, nhưng đều bị chúng ta bẻ gãy, như chiến sĩ Trần Bá Quỳnh đã bắn 82 quả đạn ĐKZ82, hộc cả máu tai. Tôi không bao giờ quên được hai chiến sĩ trẻ là Phạm Văn Liêm (Nam Định), Nguyễn Mạnh Phơn (Ninh Bình), được bố mẹ từ ngoài bắc vào thăm. Sau đó, hai anh tranh thủ tiễn bố mẹ ra bến xe Tây Ninh để về bắc. Buổi chiều, cả hai về đơn vị thì đến khuya, Liêm và Phơn đều chiến đấu anh dũng và hy sinh khi mới 19 tuổi. Còn Thượng úy Dương Văn Nho hy sinh khi vợ đang mang thai. Sau khi con ra đời, vì quá thương chồng, vợ anh đã đặt tên con trai là Dương Phước Tân để ghi nhớ địa danh, nơi chồng và đồng đội đã anh dũng hy sinh, bảo vệ biên cương.

Hạ sĩ thông tin cơ yếu Đồn Phước Tân ngày ấy là ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, sáng 17-11-1977, anh Hiểu bị thương nặng; trong cơn đau, anh liên tục kêu tên vợ, con rồi mới tắt thở; trong túi áo anh còn nguyên quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Hậu cần CANDVT tỉnh Tây Ninh. Ông Minh bị ngất; khi tỉnh lại thấy cần ăng-ten bị pháo địch phá hủy. Ông Minh liền lấy dây điện thoại kéo dài 10 m để định hướng liên lạc qua máy PRC25. Ông Hoàn giằng máy báo cáo Chỉ huy trưởng: “Địch đánh Đồn, đang bị bao vây; Đồn trưởng, chính trị viên và anh em hy sinh nhiều lắm…”, thì đầu dây bên kia ngắt lời. Lúc này, hai ông mới nhận ra mình sơ ý vì báo báo không bằng tiếng lóng hay mật mã, địch sẽ bắt được sóng. Trong suốt ngày thứ hai, quân Pôn Pốt tăng cường đánh rát, có lúc công sự hai bên chỉ cách nhau 10 m, chồm người lên là có thể đâm lưỡi lê vào nhau.

Ông Hoàn nói: “Tôi thấy, nếu trú trong Đồn sẽ hy sinh hết, nên cho anh em ra ngoài đào công sự, còn tụi Pôn Pốt cứ tập trung bắn thẳng vào Đồn. Khi chúng ngừng bắn, từ công sự, tất cả hỏa lực của ta gồm B40, B41, cối 60 khai hỏa phủ lửa lên đầu chúng. Sau đó tôi gọi pháo của Tỉnh đội bắn lên phía Đồn (bán kính bắn ngoài 50 m tính từ tâm đồn), tụi giặc trúng đạn chết như rạ, rút ra bìa rừng. Bị bao vây suốt bảy ngày đêm, chiến đấu trong tư thế lúc nào cũng căng như dây đàn, đạn nổ vang suốt ngày đêm, khói lửa ngút trời… Đến ngày 24-11-1977, khi có lực lượng chi viện, chúng tôi đã đánh bật được quân Pôn Pốt về bên kia biên giới...”.

Trong trận chiến đấu ác liệt kéo dài bảy ngày đêm đó, các chiến sĩ Đồn Phước Tân đã đẩy lùi 38 đợt tiến công của địch, tiêu diệt hơn 264 tên, thu nhiều vũ khí, 36 cán bộ, chiến sĩ của Đồn hy sinh. Một năm sau đó, ngày 31-10-1978, Đồn Phước Tân vinh dự được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Đầu năm 1978, bè lũ Pôn Pốt lại huy động từ bảy đến tám sư đoàn chủ lực áp sát Tây Ninh, có nơi lấn chiếm biên giới từ 5 đến 10 km; chúng đánh, giết dân, gài mìn, dùng pháo tầm xa bắn vào thị xã Tây Ninh, Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên. Tình hình buộc các lực lượng vũ trang Tây Ninh phối hợp với quân chủ lực của Quân khu 7 tiến công truy kích địch trên toàn tuyến biên giới.

Giữa năm 1978, Tỉnh ủy Tây Ninh ra Nghị quyết lãnh đạo việc xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, phát động quần chúng tham gia đóng góp 10 ngày công. Qua đó huy động hơn 40 vạn ngày công lao động, đào đắp hơn nửa triệu mét khối đất, xây dựng tuyến bờ thành bảo vệ biên giới phía Tây Nam dài hơn 50 km và đắp bờ thành chiến đấu cho năm xã biên giới. Rào gần 50 km tuyến biên giới phía bắc, cắm hơn 30 vạn chông tre, hàng chục nghìn bàn chông sắt, trồng hàng vạn cây tre, tháo gỡ hàng vạn quả mìn của địch cài, bỏ lại.

Từ ngày khởi công xây dựng phòng tuyến đến ngày kết thúc, đã có 54 người hy sinh, 92 người bị thương; riêng nhân dân TP Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ có tám người hy sinh. Nghệ thuật sử dụng chiến tranh nhân dân của ta “điệu nghệ” là ở chỗ, dân giữ biên giới phía trong hàng rào, sản xuất lương thực tại chỗ phục vụ quân đội sau các đợt tiến công, truy quét lính Pôn Pốt rồi rút về (đẩy lính Pôn Pốt rút chạy khỏi biên giới từ 20 đến 40 km)... Nghệ thuật ấy xuất phát từ đường lối chủ trương bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân đúng đắn; đấu tranh với cái ác, cái xấu; là dựa vào lòng dân, lòng yêu nước chính nghĩa của nhân dân ta.

Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia được thành lập. Theo yêu cầu chi viện của Mặt trận, các lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh phối hợp các đơn vị của Quân đoàn 4 tiến công đánh thắng ba sư đoàn quân Pôn Pốt trên tuyến biên giới thuộc huyện Châu Thành. Chiến thắng này mở đầu cho chiến dịch bộ đội ta phối hợp lực lượng nước bạn tổng tiến công giải phóng Cam-pu-chia.