Các nhân viên điều khiển mặt đất tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, Mỹ đã đứng dậy hò reo trong cảm giác vừa chiến thắng vừa trút bỏ sự lo lắng khi nhận được tín hiệu chiếc xe sáu bánh của Perseverance đã chạm xuống hành tinh đỏ, nơi vốn từ lâu được xem là “nghĩa địa” chôn tàu vũ trụ.
Các nhân viên điều khiển nín thở chờ đợi khi tàu vũ trụ từ tốc độ 19.500 km/giờ, tức gấp 16 lần tốc độ âm thanh, được lập trình để giảm tốc độ chậm lại trước va vào bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa. Tàu đã thả chiếc dù dài 21 mét và sau đó sử dụng một bệ điều khiển tên lửa, được gọi là cần cẩu bầu trời để hạ chiếc máy bay xuống mặt đất trong 18 mét cuối cùng.
Phải mất 11 phút rưỡi để tín hiệu xác nhận máy bay hạ cánh được truyền về Trái đất.
Perseverance đã nhanh chóng gửi hai bức ảnh đen trắng sần sùi về bề mặt đầy vết rỗ của sao Hỏa, bóng của nó có thể nhìn thấy trong khung của một bức ảnh.
NASA cho biết, Perseverance đã đáp xuống một điểm tương đối bằng phẳng giữa những tảng đá nguy hiểm. Vài giờ sau khi hạ cánh, ông Matt Wallace, Phó giám đốc dự án sao Hỏa của NASA thông báo, con tàu vũ trụ đã ở trong tình trạng tuyệt vời.
Trong lịch sử, sao Hỏa đã từng là một nơi nguy hiểm đối với các quốc gia du hành vũ trụ trên thế giới, trong đó có cả Mỹ. Trong khoảng thời gian chưa đầy ba tháng, vào năm 1999, một tàu vũ trụ của Mỹ đã bị phá hủy khi đi vào quỹ đạo, và một tàu đổ bộ của Mỹ đã bị rơi trên bề mặt hành tinh sau khi động cơ của nó bị hỏng sớm.
Trong cuộc họp báo, ông Thomas Zurbuchen, Giám đốc Sứ mệnh khoa học của NASA đã xé và ném qua vai kế hoạch dự phòng khi hạ cánh thất bại rồi nói: “Giờ là lúc khởi đầu tuyệt vời của khoa học”.
Tổng thống Joe Biden đã tweet chúc mừng cuộc hạ cánh: "Hôm nay một lần nữa chứng minh rằng với sức mạnh của khoa học và sự khéo léo của người Mỹ, không có gì xảy ra nằm ngoài khả năng".
Khởi đầu hành trình nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa
Cuộc hạ cánh đánh dấu chuyến thăm thứ ba đến sao Hỏa chỉ trong hơn một tuần. Trong tuần trước, hai tàu vũ trụ của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Trung Quốc đã đáp vào quỹ đạo quanh sao Hỏa. Cả ba tàu thăm dò đều được phóng vào tháng 7 năm ngoái để tận dụng lợi thế của thời điểm Trái đất và sao Hỏa gần nhau nhất. Cả ba con tàu đã thực hiện hành trình khoảng 300 triệu dặm trong gần bảy tháng.
Perseverance là tàu thám hiểm lớn nhất, tiên tiến nhất từng được NASA phóng lên vũ trụ, đã trở thành tàu vũ trụ thứ chín kể từ những năm 1970 hạ cánh thành công lên sao Hỏa.
Xe tự hành Perseverance, với biệt danh Percy, có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi, chạy bằng plutonium đã đến miệng núi lửa Jezero, đánh trúng mục tiêu khó nhất của NASA: đó là một dải dài 5 x 4 dặm trên một vùng châu thổ sông cổ đầy hố, vách đá và đá. Các nhà khoa học tin rằng nếu sự sống từng phát triển trên sao Hỏa, thì điều đó đã xảy ra từ 3 tỷ đến 4 tỷ năm trước, khi nước vẫn chảy trên hành tinh.
Trong hai năm tới, Percy, sẽ sử dụng cánh tay dài 2 mét của mình để khoan và thu thập các mẫu đá có chứa các dấu hiệu có thể có của sự sống vi mô trong quá khứ. Ba đến bốn chục mẫu có kích thước như viên phấn sẽ được niêm phong trong các ống và đặt sang một bên để cuối cùng một tàu tự hành khác đến lấy và đưa về nhà bằng một tàu tên lửa khác.
Mục tiêu của NASA là đưa chúng trở lại Trái đất sớm nhất vào năm 2031.
Các nhà khoa học hy vọng sẽ trả lời được một trong những câu hỏi trọng tâm của thần học, triết học và khoa học khám phá vũ trụ.
Phó giám đốc khoa học dự án sao Hỏa của NASA Ken Williford cho biết: “Chúng ta cô đơn trong mạc vũ trụ rộng lớn này, một mình bay xuyên không gian, hay sự sống phổ biến hơn nhiều? Sự sống có xuất hiện bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào các điều kiện đã chín muồi hay không? Chúng tôi thực sự đang trên đà có khả năng trả lời những câu hỏi to lớn này".
NASA đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu để đưa những tảng đá về nhà. Chỉ riêng nhiệm vụ của Perseverance đã tiêu tốn gần 3 tỷ USD.
David Parker, Giám đốc thám hiểm con người và robot của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết: “Đó thực sự là một chiến dịch khám phá phi thường, phức tạp và sẽ tạo nên dấu ấn nhất trong lịch sử”.
Cựu phi hành gia và một thời là Giám đốc khoa học của NASA John Grunsfeld đã tweet rằng, việc hạ cánh của Perseverance “chính xác là tin tốt và nguồn cảm hứng mà chúng ta cần ngay bây giờ”.
Được biết, tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc mang theo một tàu thăm dò nhỏ hơn cũng sẽ tìm kiếm bằng chứng về sự sống, nếu nó rời quỹ đạo và hạ cánh an toàn lên bề mặt sao Hỏa vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Hai tàu đổ bộ cũ của NASA vẫn đang hoạt động trên sao Hỏa: tàu Curiosity vào năm 2012 và InSight vào năm 2018.