Tàu phá băng của Italia thực hiện hành trình kỷ lục vào Nam Cực

NDO - Một tàu phá băng của Italia chở các nhà khoa học nghiên cứu ở Nam Cực đã đi xa hơn về phía nam so với bất kỳ con tàu nào đã thực hiện trước đây. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy băng đang rút dần quanh các cực.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu phá băng Laura Bassi của Italia chở các nhà khoa học nghiên cứu ở Nam Cực đến gần Vịnh Wales, Nam Cực ngày 31/1. Ảnh: Reuters.
Tàu phá băng Laura Bassi của Italia chở các nhà khoa học nghiên cứu ở Nam Cực đến gần Vịnh Wales, Nam Cực ngày 31/1. Ảnh: Reuters.

Theo Viện Hải dương học và Địa vật lý ứng dụng quốc gia Italia, tàu Laura Bassi đã đến tọa độ 78° 44,280 S trong vịnh Cá voi ở biển Ross, nơi trước đây họ chưa từng đến. Chuyến đi có thể thực hiện được là nhờ tình trạng tan băng bất thường ở khu vực. Phân tích vệ tinh năm ngoái cho thấy, các sông băng ven biển của Nam Cực đang bị phá hủy, các tảng băng trôi nhanh hơn khả năng bổ sung của tự nhiên.

Ông Franco Sedmak, thuyền trưởng tàu Laura Bassi nói với hãng tin ANSA của Italia: "Tôi hài lòng với việc lập kỷ lục, nhưng đồng thời tôi cũng buồn khi thấy mọi thứ đang thực sự thay đổi ở Nam Cực và trên thế giới nói chung".

Ông cho biết, một chuyến đi trước đó vào năm 2017 trên một con tàu khác đến cùng khu vực đã gặp phải lớp băng không thể đi qua được.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chứng kiến băng tan chảy như vậy sau vài năm để chúng tôi có thể đi xa về phía nam như chuyến đi năm nay", ông nói

Các nhà nghiên cứu từ Laura Bassi đã lấy mẫu để nghiên cứu cá trong vùng biển và khám phá đến độ sâu 216m để tìm hiểu về dòng hải lưu.

Phân tích ban đầu cho thấy nước vẫn rất lạnh và có mật độ cao các loài cá ở giai đoạn ấu trùng và cá con, trong đó có một số loài hiếm khi được quan sát thấy ở biển Ross, và một lượng lớn tảo đơn bào.